Nước cung ứng gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ cấm xuất khẩu khiến giá lúa tăng từng ngày, thương lái đặt cọc tiền trước, nông dân miền Tây phấn khởi vì lợi nhuận cao.
Tuần trước, nông dân Bùi Văn Phước ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch 7 ha lúa giống OM 5451, giá bán 7.000 đồng mỗi kg. Vì có ký kết hợp đồng với công ty sản xuất lúa giống từ đầu vụ, ông bán lúa với giá cao hơn thị trường 400 đồng một kg.
Ông Phước vui mừng khi năng suất đạt gần 7 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, tăng 20% so với vụ trước. “Lần đầu tiên bán lúa vụ Hè Thu mà lời hơn vụ Đông Xuân. Thương lái mùa này mua mạnh lắm. Lúa chín là cắt luôn, không dời ngày hay trả giá gì hết”, ông nói.
Dù lúa đã bán xong, nông dân này tiếp tục được nhiều thương lái gọi hỏi mua lúa, với giá tăng từng ngày, nay đã lên thêm 300-400 đồng mỗi kg. Theo ông, giá lúa cao tương tự vào ba năm trước, trong khi giá phân bón lại giảm mạnh khiến chi phí đầu tư thấp hơn so với trước.
“Mấy năm trước, làm lúa nuôi hai con học đại học chịu cảnh thiếu trước hụt sau, giờ khỏe hơn nhiều rồi”, nông dân gần 60 tuổi chia sẻ.
Tương tự tại Cần Thơ, hàng chục nghìn ha lúa thu đông ở huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, đang giai đoạn làm đòng. Giá lúa ở mức cao từ đầu năm đến nay và liên tục tăng mấy ngày qua khiến nhiều nông dân rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết hiện 2 ha lúa thu đông của gia đình đang trổ bông, khoảng 40 ngày sau mới thu hoạch, dự kiến sản lượng khoảng 9 tấn mỗi ha.
“Lúa đang trổ bông nhưng thương lái đã đến hỏi mua”, ông nói. Cuối tuần trước, thương lái đòi đặt cọc mua lúa OM 5451 giá 6.400-6.500 đồng mỗi kg. Trong khi, sáng qua đã lên 6.700 đồng, còn lúa thơm là 7.000 đồng mỗi kg. Riêng lúa hạt dài vụ Đông Xuân trước, thương lái lùng sục mua giá 9.000 đồng mỗi kg.
Cánh đồng lúa huyện Tri Tôn, ở tỉnh An Giang, đang vào vụ thu hoạch với giá bán lúa OM 5651 từ 6.800 đồng một kg, trong khi OM 18 từ 7.050-7.100 đồng mỗi kg, tăng khoảng 500 đồng so với vụ trước. Anh Nguyễn Văn Hào, xã Tấn Tuyến, cho biết 3 ha lúa của gia đình sẽ thu hoạch tuần tới nhưng chưa vội nhận cọc bán lúa, ước chừng giá tăng tiếp.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ nhà máy chế biến gạo xuất khẩu ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết giá gạo xuất khẩu đã tăng 15-20 USD mỗi tấn so tuần trước, hiện ở mức 560-580 USD một tấn. Giá lúa rất cao nhưng nguồn lúa tại ruộng của nông dân đã cạn, diện tích lúa Hè Thu trong vùng thu hoạch hơn 80%.
Chủ nhà máy đang mua lúa với giá 6.800-7.200 đồng nhưng cung không đủ cầu. Mỗi ngày nhà máy chạy hết công suất cần 500 tấn lúa song 2-3 ngày chỉ được khoảng 100 tấn. Ông Tuấn dự đoán: “Tình hình Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo và chưa tới lúc thu hoạch rộ vụ Thu Đông nên giá lúa khả năng còn ở mức cao trong 2-3 tuần tới”.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng trụ sở tại Tiền Giang, giá lúa vụ Hè Thu năm nay rất có lợi cho nông dân khi đã vượt qua giá vụ Đông Xuân. Xét về phẩm cấp, gạo vụ Hè Thu thường thấp hơn nên giá bán luôn thấp hơn hai vụ khác trong năm, nhưng năm nay ngược lại.
Vị lãnh đạo công ty đánh giá hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang tăng cường nhập kho khi vụ thu hoạch bắt đầu, song chưa vội ký kết hợp đồng mới với các đối tác. “Ấn Độ cấm xuất khẩu, thêm ảnh hưởng thời tiết cực đoan, sản lượng lương thực toàn cầu đang giảm nhưng giá cả khó đoán định trong thời gian tới. Hầu như các doanh nghiệp vẫn còn quan sát chứ chưa vội”, ông cho biết.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm nay ước đạt 539 USD một tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, gạo Việt có cơ hội tăng giá và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác khi Ấn Độ – nước cung ứng lớn nhất thế giới – cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nói để giữ vững vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới, các địa phương cần nâng cao chất lượng bằng các giống lúa đặc sản; hướng dẫn nông dân giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận; liên kết nông dân và doanh nghiệp…
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo, người dân không nên ào ạt xuống giống lúa vụ 3 ở những vùng đất không thuận lợi, nguy cơ bị ngập úng. Thay vào đó nông dân trồng rau màu, nuôi trồng thuỷ sản vẫn cho thu nhập cao, lại ít rủi ro.
Ngọc Tài – Huy Phong