Ngày 10.4, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án mua bán hóa đơn, đưa – nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó liên quan đến cựu thiếu tướng Đỗ Hữu Ca.
Sau khi đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đọc cáo trạng và nêu tội danh của từng bị cáo, chủ tọa phiên tòa cho gọi hỏi những người có liên quan. Sau khi được hỏi, toàn bộ các bị cáo đều đồng ý với bản cáo trạng và tội danh. Ngoài ra, các bị cáo đều đã nộp lại số tiền thu lời bất chính, để mong sự khoan hồng của pháp luật.
Đáng chú ý, bị cáo Trương Xuân Đước khai chỉ nhớ tên doanh nghiệp thành lập đầu tiên, còn những công ty khác sau này thì không nhớ nổi tên.
Khai tại tòa, “ông trùm” hóa đơn Trương Xuân Đước nói: “Tổng cộng có 26 công ty được thành lập nhưng bị cáo chỉ nhớ tên Công ty cổ phần Khánh Dung. Còn lại, tên các công ty khác không nhớ và có hết trong bản cáo trạng”.
Khi tòa hỏi về các hành vi buôn bán hóa đơn thu lợi bao nhiêu, bị cáo Đước trả lời không nhớ. Bị cáo này chỉ nói số tiền thu lợi từ việc làm phi pháp trên đã dùng chủ yếu để mua đất đai. Khi bị bắt, bị cáo đã chủ động khắc phục 1,7 tỉ đồng; cơ quan công an cũng đã thu giữ một vài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể bao nhiêu thì ông Đước không nhớ.
Xem nhanh 12h ngày 10.4: Ông Đỗ Hữu Ca bạc tóc hầu tòa
Về phần vợ ông Đước, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh khi được chủ tọa phiên tòa hỏi thì không trả lời gì ngoài việc nói rất hối hận và cảm thấy ăn năn. Khi thẩm phán hỏi cơ quan công an có thu giữ tài sản gì khi khám xét nơi ở, bị cáo Ngọc Anh nói không thu giữ gì (điều này trái ngược với lời khai của chồng bị cáo là Trương Xuân Đước – PV).
Theo cáo trạng, từ năm 2007, bị cáo Trương Xuân Đước (53 tuổi, trú P.Đằng Hải, Q.Hải An, TP.Hải Phòng) và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh (45 tuổi) quản lý, điều hành Công ty cổ phần Khánh Dung hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Ngọc Anh có vai trò là kế toán trưởng của công ty và được ông Trương Xuân Đước giao nhiệm vụ quản lý bộ phận kế toán kê khai báo cáo thuế, hợp thức hóa hồ sơ và làm các thủ tục thành lập các công ty “ma”.
Cụ thể, từ năm 2014 – 2021, vợ chồng bị cáoTrương Xuân Đước đã sử dụng căn cước công dân của cả hai và người thân, người quen, bạn bè hoặc nhân viên làm thuê để thành lập thêm các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Bị cáo Trương Xuân Đước cùng vợ đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 3.2013 đến tháng 5.2022, vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước đã mua bán 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính trên 41 tỉ đồng. Đặc biệt, khi Công an tỉnh Quảng Ninh bắt đầu điều tra về hành vi mua bán trái phép hóa đơn thì vợ chồng “ông trùm” Trương Xuân Đước đã tìm đến ông Đỗ Hữu Ca để chạy tội.
Theo đó, từ cuối tháng 10 đến tháng 12.2022, vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước đã 4 lần đưa tiền cho ông Đỗ Hữu Ca tổng số 35 tỉ đồng. Đến ngày 3.2.2023, ông Trương Xuân Đước bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Sau khi chồng bị bắt, bà Ngọc Anh đến nhà gặp ông Ca xin lại số tiền 35 tỉ đồng nhưng ông Ca không những không trả lại tiền mà còn mắng và đuổi Ngọc Anh về.
Ngày 7.2.2023, bà Ngọc Anh bị cơ quan điều tra bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.