Sau đây là những lý do tại sao súc miệng nước muối là một trong những biện pháp giúp giữ sức khỏe tổng thể, nhất là trong mùa lạnh, theo trang tin y tế Dr.Berg.
Lợi ích của việc súc miệng bằng nước muối
Súc miệng nước muối có khả năng ngăn chặn virus và vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm trùng ở miệng và cổ họng.
Súc miệng nước muối giúp giảm viêm trong các trường hợp sau:
Đau họng. Trong một nghiên cứu năm 2011, các bác sĩ chính thức khuyên súc miệng bằng nước muối để điều trị chứng đau họng.
Chúng đặc biệt hiệu quả đối với cảm lạnh hoặc cúm gây đau họng nhẹ, nhưng với cơn đau họng nghiêm trọng, kết hợp với thuốc điều trị sẽ tốt hơn.
Viêm xoang và đường hô hấp. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nước muối có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, cả nhiễm virus và vi khuẩn. Bao gồm cảm lạnh, cúm, viêm họng liên cầu khuẩn, bệnh bạch cầu đơn nhân, theo chuyên trang sức khỏe Healthline.
Dị ứng. Một số loại dị ứng, như dị ứng phấn hoa hoặc lông chó và mèo, cũng gây viêm họng. Súc miệng nước muối cũng có thể giúp giảm các triệu chứng đau họng khó chịu do dị ứng.
Phòng bệnh răng miệng. Nước muối có thể bảo vệ nướu, vì vậy súc miệng có hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe nướu và răng. Chúng cũng có thể giúp ngăn ngừa viêm nướu, viêm nha chu và sâu răng.
Một đánh giá năm 2010 cho thấy súc miệng nước muối hằng ngày giúp giảm số lượng vi khuẩn có hại có trong nước bọt.
Vết loét nhiệt miệng. Súc miệng nước muối có thể làm giảm vết loét nhiệt miệng, giúp giảm đau và giảm viêm do các vết loét gây ra.
Cách súc miệng bằng nước muối
Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi đều có thể súc miệng bằng nước muối, ngoại trừ người gặp khó khăn khi súc miệng, theo Dr.Berg.
Tốt nhất nên súc nước muối ấm vì hơi ấm có thể làm dịu cơn đau họng.
Để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc tăng cường sức khỏe răng miệng, nên súc miệng 1 – 2 lần mỗi ngày.
Để kiểm soát các triệu chứng đau họng, cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, nên súc miệng bằng nước muối ấm cứ sau 2 – 4 giờ hoặc khi cần.
Ngậm nước muối trong cổ họng trong thời gian 10-15 giây, sau đó, súc quanh trong miệng và răng rồi nhổ ra.
Mặc dù súc miệng bằng nước muối có thể kiểm soát nhiễm trùng nhẹ, nhưng nếu gặp các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng nặng hoặc dai dẳng, như sốt, ớn lạnh, khó chịu hoặc nhịp tim nhanh, cần phải đi bác sĩ khám bệnh.