Nhức răng luôn mang đến cảm giác khó chịu và ảnh hưởng lớn đến ăn uống. Cường độ đau có thể từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc nguyên nhân gây đau và mức độ viêm nhiễm.
Có nhiều nguyên nhân gây nhức răng khác nhau, từ sâu răng đến bệnh nướu răng. Các triệu chứng thường gặp của bệnh nướu răng là đau nhức khi cắn, răng nhạy cảm, nhức răng nhẹ khi ăn đồ ngọt, nướu sưng đỏ, hôi miệng và một số triệu chứng khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Các biện pháp tự nhiên giúp giảm nhức răng mà không phải dùng thuốc gồm:
Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối là một trong những cách giảm nhức răng phổ biến nhất. Nước muối có tác dụng như chất khử trùng tự nhiên, giúp giảm viêm, làm dịu cơn đau nướu và loại bỏ các hạt thức ăn kẹt giữa 2 răng.
Ngoài ra, nước muối còn có tác dụng giảm lượng vi khuẩn trong miệng, đồng thời thúc đẩy quá trình chữa lành các mô miệng. Để làm nước muối, mọi người hãy cho 1/2 muỗng cà phê muối vào một ly nước ấm rồi súc miệng trong 30 giây. Lặp lại vài lần trong ngày.
Chườm lạnh
Chườm lạnh là cách hiệu quả làm tê cảm giác đau và giảm sưng liên quan đến đau nhức răng nướu. Nhiệt độ lạnh sẽ làm mạch máu co lại và góp phần giảm viêm. Hiệp hội Nội nha Mỹ khuyến cáo chườm lạnh vào bên ngoài má, ngay vị trí đau nhức có thể giúp giảm đau tạm thời.
Cách chuẩn bị chườm lạnh rất đơn giản, chỉ cần lấy vài viên đá, dùng vải bọc lại rồi chườm lên má khoảng 15 đến 20 phút/lần. Nếu cần thiết, người bị nhức răng nướu có thể chườm vài lần trong ngày. Để tránh tổn thương da, thời gian cách giữa 2 lần chườm ít nhất là 20 phút.
Dùng tỏi
Tỏi có đặc tính kháng khuẩn mạnh nhờ hàm lượng chất allicin cao. Chất này có tác dụng chống lại vi khuẩn gây viêm nhiễm răng nướu. Nghiên cứu trên chuyên san Phytotherapy Research đã chứng minh tỏi có tính kháng khuẩn mạnh, giúp giảm đau răng nướu bằng cách tiêu diệt vi khuẩn có hại.
Khi dùng tỏi, mọi người hãy giã nát một tép tỏi để giải phóng chất allicin ra ngoài. Sau đó, đắp trực tiếp phần tỏi đã giã này lên vùng răng nướu bị đau. Cách khác là nhai một tép tỏi một cách từ từ để chất allicin thấm vào vùng răng nướu bị đau, theo Healthline.
Nguồn: https://thanhnien.vn/3-phuong-phap-giam-nhuc-rang-tu-nhien-ma-khong-dung-thuoc-185241029131537431.htm