Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ góp phần giảm áp lực cho ngân sách, có nguồn đầu tư các tuyến đường khác, nhưng người dân sẽ phải trả nhiều loại phí.
Trong dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km phương tiện chạy trên đường. Bộ này phân tích nếu không thu phí, phát triển hạ tầng giao thông khó tạo đột phá. Nhà nước không thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, khó đảm bảo mục tiêu trong 7 năm nữa có 5.000 km cao tốc. Ước tính 10 năm tới, ngân sách cần đầu tư 239.000 tỷ đồng xây mới cao tốc.
Không đồng tình với đề xuất trên, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường giá cả, phân tích ngân sách dành xây cao tốc là do người dân đóng góp thuế, phí và lệ phí. Hiện ôtô lưu hành thì chủ xe phải đóng phí bảo trì đường bộ, khi thu phí cao tốc sẽ gây phí chồng phí. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc thu phí càng gây khó cho doanh nghiệp và người dân.
“Nhà nước sử dụng tiền thuế để xây dựng các loại đường giao thông, giờ lại tiếp tục thu phí cao tốc là chưa hợp lý”, ông Long nói và cho rằng nếu thiếu nguồn để bảo trì đường bộ và đầu tư cao tốc mới thì cần xem lại việc sử dụng ngân sách đã hiệu quả hay chưa. Ngành giao thông cần có cơ chế thu hút đầu tư cao tốc theo hình thức xã hội hóa, thay vì sử dụng ngân sách.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là “thu phí hai lần” vì người dân đã nộp thuế và đóng phí bảo trì đường bộ. “Bộ Giao thông Vận tải nói thu phí để có nguồn đầu tư cao tốc khác và bảo trì đường là chưa đủ thuyết phục. Nếu không có nguồn đầu tư thì không nên đưa ra các kế hoạch như có 5.000 km cao tốc”, ông Thanh nói.
Trái với quan điểm trên, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nói cao tốc là công trình giao thông cấp đặc biệt, chất lượng tốt, rút ngắn thời gian lưu thông cho phương tiện nên không thể đánh đồng với các quốc lộ, đường địa phương. Người dân phải trả tiền khi sử dụng loại dịch vụ chất lượng tốt và Nhà nước đảm bảo có tuyến quốc lộ song hành không phải trả phí.
Theo ông Trần Chủng, để cao tốc khai thác an toàn và bền vững, công tác bảo trì cần được tiến hành thường xuyên, cần kiểm soát xe quá khổ, quá tải. Hiện nay nguồn quỹ bảo trì đường bộ mới đáp ứng 30-40% nhu cầu bảo trì các tuyến quốc lộ, đường địa phương nên không thể bảo trì, vận hành cao tốc. Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết nhằm có nguồn bảo trì đường.
TS Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông, cũng nhận định ngân sách Nhà nước hiện còn eo hẹp, phải chi cho rất nhiều hoạt động và thường thiếu hụt. Trong khi đó đầu tư đường cao tốc đòi hỏi nguồn ngân sách lớn. Việc thu phí từ các tuyến cao tốc sẽ góp phần giảm áp lực cho ngân sách.
Người dân có thể chọn sử dụng cao tốc hoặc không. Ví dụ từ Hà Nội đến Hải Phòng, người không muốn trả phí sẽ đi quốc lộ 5 tốn thời gian nhiều hơn và đi trong luồng xe hỗn hợp chịu rủi ro về tai nạn cao hơn. Ngược lại, người sẵn sàng trả phí sẽ sử dụng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro tai nạn. “Những khách hàng coi thời gian là tiền bạc sẽ sẵn sàng chấp nhận trả phí để sử dụng cao tốc. Nhu cầu thu phí của Nhà nước và nhu cầu tiết kiệm thời gian của khách hàng gặp nhau”, ông Bình nói.
Từ thực tế cao tốc TP HCM – Trung Lương dừng thu phí sau khi đã hoàn vốn, ông Bình cho rằng với những tuyến huyết mạch, lưu lượng giao thông cao như tuyến này cần tiếp tục thu phí để có nguồn duy tu bảo dưỡng, đảm bảo chất lượng dịch vụ tuyến đường và bổ sung vào ngân sách Nhà nước.
Nhìn ra thế giới, ông Bình cho biết ở Mỹ có những làn đường thu phí trên tuyến cao tốc không thu phí, ý đồ là người hưởng lợi phải trả phí. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, nhà nước dùng nguồn thu phí từ những tuyến có lưu lượng cao để đầu tư xây dựng những tuyến có lưu lượng thấp, rút ngắn thời gian đi lại, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Trước khi xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải từng nhiều lần đề xuất thu phí một số tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đầu tháng 5, Bộ tính sẽ thu phí 9 tuyến cao tốc, gồm: TP HCM – Trung Lương; Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. Dự kiến mức phí 1.000-1.500 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi và tính toán có thể thu về ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.