Khối u ung thư da, vú, tuyến tiền liệt có thể di căn đến phổi, khiến điều trị khó khăn.
Ung thư di căn đến phổi (ung thư thứ phát ở phổi) là ung thư từ vùng khác của cơ thể lây lan đến phổi. Tình trạng này phổ biến bởi nhiều bệnh ung thư đều lan đến cơ quan này.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ung thư di căn đến phổi phổ biến nhất là ung thư vú, bàng quang, ruột kết, trực tràng, thận, buồng trứng, tử cung, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, tuyến giáp, ung thư hắc tố da. Di căn phổi cũng thường xảy ra ở sarcoma – một loại ung thư bắt đầu trong các mô xương hoặc cơ, ít gặp. Có 20% sarcoma mô mềm và 40% sarcoma xương di chuyển vào phổi.
Khi di căn, khối u bắt đầu ở thực quản hoặc thành ngực có thể lan thẳng đến phổi. Nhưng hầu hết tế bào ung thư đều di chuyển gián tiếp đến phổi thông qua ba con đường. Tế bào ung thư đi vào các mạch máu nhỏ gần khối u và được đưa đến phổi qua các động mạch phổi, gọi là lây lan theo đường máu. Lây lan qua bạch huyết là khi các tế bào khối u đi qua các mạch bạch huyết nhỏ và di chuyển dọc theo đường bạch huyết, gồm cả hạch bạch huyết. Còn lây lan màng phổi và đường thở chỉ giới hạn ở các khối u phổi và ít phổ biến hơn.
Ung thư di căn phổi thường không gây ra triệu chứng. Trong một số trường hợp, di căn phổi có các triệu chứng giống ung thư phổi nguyên phát (khối u bắt đầu ở phổi). Các tình trạng này gồm ho dai dẳng, ho ra máu; đau ngực, vai và lưng; hụt hơi, nồng độ oxy trong máu thấp, tràn dịch màng phổi. Mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân và chán ăn cũng rất phổ biến ở người bệnh ung thư di căn.
Chụp X-quang ngực, PET, CT ngực, sinh thiết phổi, phân tích dịch màng phổi, nội soi phế quản được áp dụng để chẩn đoán ung thư di căn phổi. Phương pháp điều trị có thể gồm hóa trị, phẫu thuật, liệu pháp hormone, nhắm mục tiêu, miễn dịch hoặc kết hợp nhiều loại.
Hóa trị thường được sử dụng và áp dụng dưới dạng liệu pháp giảm nhẹ để kéo dài thời gian sống và giảm các triệu chứng. Ung thư di căn thường không thể chữa khỏi. Trong một số trường hợp ít gặp, hóa trị có thể chữa khỏi ung thư tinh hoàn di căn đến phổi.
Hóa trị dạng hít đang được nghiên cứu nhằm đưa thuốc trị liệu trực tiếp vào phổi sẽ có hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn. Phẫu thuật cắt bỏ khối u nguyên phát hoàn toàn và tất cả khối u di căn có thể cải thiện khả năng sống sót.
Theo Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ, tỷ lệ sống từ 5 năm trở lên sau chẩn đoán mắc ung thư di căn phổi tùy thuộc vào khối u nguyên phát. Ví dụ, tỷ lệ sống sót sau 5 của ung thư tinh hoàn di căn phổi là 74%, ung thư vú di căn là 28%, ung thư buồng trứng lan đến phổi là gần 15%.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |