Demodex, loài bọ ký sinh dài chưa tới một milimet thường bò khỏi nơi ẩn náu và hoạt động trên mặt người vào ban đêm.
James Weiss, nhà hiển vi học ở Đại học Bournemouth, Anh, ghi hình những con bọ Demodex sống trên mặt của ông. Weiss trông thấy một đốm đen nhỏ trên trán và cạo ra bằng lam kính thủy tinh trước khi đặt dưới kính hiển vi và quay phim. Ông chia sẻ thước phim trên kênh YouTube Journey to the Microcosmos, Mail hôm 15/5 đưa tin.
Demodex, thuộc họ ve mạt, là loại ký sinh nhỏ nhất trong ngành chân khớp. Chúng thường bò ra ngoài vào ban đêm để ăn tế bào da chết trên mặt người, sau đó chui vào nang lông và tuyến bã nhờn để đẻ trứng. Dù có hình dáng đáng sợ, loài ký sinh trùng này vô hại và rất khó phát hiện. Chúng thậm chí có thể giúp loại bỏ tế bào chết trên da.
Thước phim của Weiss cho thấy những giọt hình cầu ở phần cuối cơ thể của Demodex, đó là phần bã nhờn chúng đã tiêu hóa từ da người. Bọ đực và cái thường ghép đôi bên trong lỗ nang lông. Chúng có thể giao phối cả đêm nhờ sử dụng melatonin do da người tiết ra vào lúc chạng vạng. Ấu trùng nở trong vòng 3 – 4 ngày và trưởng thành sau 7 ngày, nhưng tuổi thọ của chúng thường chỉ kéo dài khoảng hai tuần.
Demodex dài khoảng 0,3 mm, quá nhỏ để trông thấy bằng mắt thường và có xu hướng lan truyền qua tiếp xúc gần giữa các thành viên trong gia đình. Giới nghiên cứu phát hiện khoảng 65 loài Demodex nhưng chỉ có hai loài sống trên cơ thể người là Demodex folliculorum và Demodex brevis. D. folliculorum trú ngụ ở nang tóc trong khi D. brevis sống ở tuyến bã nhờn nối liền với nang tóc.
Các nhà khoa học ước tính 23-100% người trưởng thành khỏe mạnh có Demodex ký sinh. Chúng ta sẽ không biết về sự tồn tại của chúng cho tới khi gặp vấn đề về da. Một số nhà nghiên cứu cho rằng loài bọ này không có hậu môn, do đó tích tụ tất cả phân trong vòng đời trước khi giải phóng vào lúc chết, gây viêm da. Tuy nhiên, nghiên cứu công bố năm ngoái của các chuyên gia ở Đại học Reading hé lộ chúng có hậu môn và không phải thủ phạm gây ra nhiều chứng viêm da.
An Khang (Theo Mail)