Ếch nghịch lý chỉ dài khoảng 8 cm, trong khi ở giai đoạn nòng nọc, chúng có thể dài tới 22 cm.
Ếch nghịch lý (Pseudis paradoxa), còn gọi là ếch thu nhỏ, phân bố nhiều ở miền bắc Nam Mỹ và Trinidad. Chúng thường ăn động vật không xương sống, chủ yếu là côn trùng. Những điều trên nghe có vẻ bình thường, nhưng thực chất chúng không giống các loài ếch khác. Loài vật kỳ lạ này giảm kích thước khi chúng lớn lên.
Ở giai đoạn ấu trùng, chúng lớn hơn đáng kể so với giai đoạn trưởng thành. Cụ thể, nòng nọc của ếch nghịch lý lớn hơn con trưởng thành gấp 3 – 4 lần. Trong khi nòng nọc có thể dài tới 22 cm, ếch trưởng thành chỉ dài 8 cm. Một số loài khác trong chi Pseudis cũng trải qua sự thay đổi kích thước bất thường này, nhưng ếch nghịch lý giữ kỷ lục là loài có nòng nọc dài nhất.
Vậy tại sao nòng nọc của ếch nghịch lý lại có kích thước lớn như vậy? Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Herpetological Journal năm 2009, tốc độ tăng trưởng của nòng nọc tương tự như các loài khác, nhưng chúng tiếp tục lớn lên và phát triển. Đến thời điểm nòng nọc trải qua quá trình biến thái thành ếch trưởng thành, con đực đã bắt đầu sản xuất tinh trùng và con cái đang phát triển trứng – điều thường xảy ra trong giai đoạn ếch con.
Trong một nghiên cứu về loài ếch khác thuộc chi Pseudis, các chuyên gia tìm hiểu sự phát triển xương của nòng nọc thuộc loài đó và nhận thấy, bộ xương đã phát triển gần hoàn thiện hoặc hoàn thiện vào cuối quá trình biến thái.
Kích thước khổng lồ của nòng nọc chủ yếu do chiếc đuôi dài. Trước khi biến thái thành con trưởng thành, chiều dài từ miệng đến lỗ hậu (hay chiều dài cơ thể) của chúng cũng tương đương với con trưởng thành.
Với đa số loài ếch khác, sau khi biến thái, ếch ban đầu sẽ nhỏ nhưng sau đó lớn dần lên. Tuy nhiên, vì nòng nọc của ếch nghịch lý phát triển trong thời gian dài hơn các loài khác và đã khá hoàn thiện khi trải qua quá trình biến thái nên con trưởng thành phát triển rất ít hoặc không phát triển. Việc mất đuôi đã khiến ếch thu nhỏ kích thước.
Thu Thảo (Theo Live Science)