Một quan chức Mỹ cho biết với tầm di chuyển khoảng hơn 140km, loại bom mới dự kiến là cú hích đáng kể cho năng lực tập kích hậu phương Nga của Ukraine.
“Nó mang lại cho họ năng lực tấn công sâu hơn mà họ chưa từng có, bổ sung cho kho vũ khí hỏa lực tầm xa của Ukraine”, quan chức Mỹ cho biết.
Cho đến nay, tầm bắn tối đa của Ukraine là 80km khi sử dụng tên lửa dẫn đường GPS có tên gọi là M31, theo Kyiv Post. Cả GLSDB và M31 đều được bắn từ bệ phóng gắn xe tải HIMARS và pháo tự hành M270.
GLSDB có điểm gì mới?
Tên lửa GLSDB xuất phát từ ý tưởng của Lầu Năm Góc thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Vào những năm 2000, quân đội Mỹ nhận thấy trong kho của họ còn tồn lượng lớn tên lửa không dẫn đường 227mm chuyên được dùng để phóng loạt từ pháo M270 và HIMARS, trong khi cũng cần bắn phá các mục tiêu nhỏ tại Afghanistan và Iraq để giảm thương vong ngoài ý muốn.
Giải pháp là kết hợp phần động cơ tên lửa của 227mm với hệ thống bom lượn dẫn đường thả từ trên không GBU-39 do Boeing sản xuất, sau đó tìm cách phóng chúng bằng M270 hoặc HIMARS.
Theo Kyiv Post, vào năm 2015, Boeing hợp tác với Tập đoàn Saab của Thụy Điển để thử nghiệm phiên bản phóng từ mặt đất của GBU-39 và đến năm 2019, hệ thống GLDSB đã hoạt động ổn định.
Nguyên lý hoạt động của GLDSB là sau khi tên lửa được phóng đi, quả bom sẽ tách khỏi tên lửa và lượn đến mục tiêu ở tốc độ thấp mà không dùng lực đẩy từ tên lửa.
Hiệu quả ra sao?
Kyiv Post dẫn các báo cáo nguồn mở đưa tin, ngoài việc có tầm bắn gần gấp đôi, ưu điểm chính của GLSDB là chi phí thấp, ước tính là 40.000 USD/tên lửa, so với mức giá 500.000 USD/tên lửa M31.
Quan trọng hơn, quân đội Mỹ hiện không còn giao tranh kịch liệt tại Trung Đông nên trong kho vũ khí của Washington nhiều khả năng vẫn còn hàng chục nghìn tên lửa 227mm mà họ có thể gửi đến Saab để tái sử dụng thành hệ thống bom lượn.
Theo Saab, hệ thống lượn có thể được lập trình để tiếp cận mục tiêu từ nhiều góc độ khác nhau, gây khó khăn cho việc đánh chặn và giúp quả bom dễ dàng di chuyển hơn đến các mục tiêu khó tiếp cận như vị trí ở phía bên kia ngọn đồi hoặc trong thung lũng hẹp.
GLSDB từng được sử dụng tại đâu?
Quân đội Ukraine sẽ là lực lượng vũ trang đầu tiên vận hành GLSDB, sau đó dự kiến là đảo Đài Loan, theo Sputnik.
Tiền thân GBU-39 của GLSDB ban đầu được Mỹ và đồng minh sử dụng trong các cuộc xung đột ở Iraq, Afghanistan, Syria, Gaza và Yemen.
GLSDB có làm thay đổi cuộc chơi?
Kyiv Post đánh giá GLSDB khó làm thay đổi cuộc chơi.
Đầu tiên là vấn đề về số lượng. Về lý thuyết, Mỹ có thể cung cấp số lượng lớn động cơ tên lửa 227mm, nhưng hiện chưa rõ quy mô kho bom lượn của Saab cũng như năng lực sản xuất của công ty Thụy Điển này.
Trả lời Kyiv Post hồi tháng 1, một tổ vận hành pháo M270 của Ukraine nói rằng nếu có đủ đạn và mục tiêu, họ có thể phóng hàng chục tên lửa mỗi 24 giờ.
Ngoài ra, theo Oryx, một công ty thu thập dữ liệu vũ khí, Ukraine có khả năng đang vận hành khoảng 15 hệ thống M270 và 30 HIMARS. Như vậy, Ukraine có thể dùng hết sản lượng tên lửa GLSDB hàng năm của Saab trong vài ngày hoặc vài tuần.
Hạn chế thứ hai của tên lửa GLSDB nằm ở chỗ, dù có cùng kích thước với tên lửa M31, GLSDB mang đầu đạn nhỏ hơn, với lượng chất nổ ít hơn khoảng 1/3, tùy từng loại.
GLSDB vẫn mang đủ lượng thuốc nổ để kích nổ kho đạn, nhưng hiệu quả khi bắn phá cầu bê tông cốt thép hoặc rải bom chùm diện rộng chỉ bằng một nửa so với M31.
Điểm yếu cuối cùng là việc GLSDB lượn tới mục tiêu mà không dùng sức đẩy của tên lửa đạn đạo, khiến nó dễ bị các đơn vị phòng không Nga bắn hạ, ít nhất là về lý thuyết. Tuy nhiên, Kyiv Post lưu ý rằng đây là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng được vì loại vũ khí này chưa được đưa vào thực chiến.