Bom lượn thông minh GLSDB của Mỹ có thể tàng hình, phát tán hiệu quả trong diện tích rộng, quỹ đạo bay phức tạp và có thể thực hiện nhiều thao tác gây khó khăn cho hệ thống phòng không của đối phương.
Bom lượn thông minh GLSDB của Mỹ. (Nguồn: AF.mil) |
Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất GLSDB (Ground-Launched Small Diameter Bomb) do hãng Boeing Defense Space and Security hợp tác với công ty Saab Group của Thụy Điển phát triển.
Vũ khí này được cấu tạo từ 2 hệ thống vũ khí cổ điển: phần thứ nhất là bom lượn chính xác cao, kích thước nhỏ GBU-39 SDB; phần thứ hai là động cơ phản lực M26 của hệ thống phản lực phóng loạt HIMARS của quân đội Mỹ. Hai phần này được kết hợp với nhau thông qua một khớp nối.
Đặc tính kỹ thuật và khả năng tác chiến của bom GLSDB được xác định chủ yếu thông qua các thông số của chính quả bom đó. Bom GBU-39 SDB là bom không quân, được phát triển từ đầu những năm 2000, bom được thiết kế đặc biệt để bố trí bên trong khoang máy bay có trang bị công nghệ tàng hình. Bom này được tích hợp hệ thống điều khiển và hệ thống dẫn đường.
Thân bom dài 1,8m, được lắp cánh, đường kính bom gần 19cm. Bom GBU-39 SDB có 3 loại: bom xuyên mảnh có lõi thép GBU-39/B; GBU-39A/B sử dụng phân mảnh siêu nhỏ để tấn công đối phương; và bom xuyên mảnh được trang bị hệ thống dẫn đường laser GBU-39B/B
Bom GBU-39/B được sử dụng để tấn công các mục tiêu cố định như: sở chỉ huy, trạm thông tin, hệ thống phòng không, sân bay, kho nhiên liệu, các đơn vị quân đội, trận địa pháo binh. Khi phải tác chiến với các hệ thống công sự đào sâu dưới đất, các cơ sở hạ tầng kiên cố, tòa nhà, xí nghiệp, cầu cống, giao thông hào, bộ binh đang cơ động và những mục tiêu lớn khác thì bom GBU-39/B không phát huy được hiệu quả. Đáng chú ý, bom GBU-39/B có thể xuyên thủng tấm bê tông dày 1m nằm ở độ sâu 1m dưới lòng đất.
Ngoài ra, loại bom này còn được trang bị thiết bị thu tín hiệu GPS, modul chống nhiễu, bộ quán tính, ngòi nổ điện tử được lập trình (chế độ nổ, tiếp xúc, nổ chậm), thiết bị dẫn động ở phần đuôi, cánh bom có hình thoi, đầu đạn được thiết kế trong vỏ thép đặc biệt cứng.
Trong khi đó, bom GBU-39 A/B FLM được sử dụng để tấn công có trọng điểm. Đầu đạn của loại bom này được làm bằng vật liệu composite, thuốc nổ được làm bằng kim loại trơ đậm đặc. Nhờ vậy mà GBU-39A/B FLM có khả năng sát thương cao trong một phạm vi hẹp, vì vậy có thể hạn chế những tổn thất không đáng có cho những mục tiêu xung quanh khi tiến hành tác chiến đô thị.
Bom GBU-39 B/B được trang bị hệ thống dẫn đường laser. Với thiết bị xác định mục tiêu bằng laser ở bên ngoài, GBU-39B/B có thể tấn công những mục tiêu bay thấp, bay chậm. Hệ thống dẫn đường laser được kích hoạt khi bom cách mục tiêu 4,5km, các chấm laser được nắm bắt khi cách mục tiêu 3km. Khác với bom GBU-39/B, đầu đạn của bom GBU-39B/B có lõi bằng thép.
Tất cả các phiên bản của bom GBU-39 SDB đều thuộc hệ thống bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất GLSBD, chúng có thể sử dụng các bệ phóng của hệ thống tên lửa phóng loạt MLRS M270 và bệ phóng của hệ thống phản lực phóng loạt HIMARS.
Một trong những ưu điểm của các loại bom này là có khả năng tàng hình, diện tích phát tán hiệu quả của chúng là 0,016 mét vuông, có quỹ đạo bay phức tạp và có thể thực hiện nhiều thao tác. Những yếu tố này sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho hệ thống phòng không của đối phương.
Tuy nhiên, bom lượn cũng có những nhược điểm là như tốc độ bay chậm, khiến cho chúng rất dễ bị phòng không của đối phương bắn hạ.
Nhìn chung, điểm mạnh của bom GBU là giá thành thấp, quỹ đạo bay phức tạp, có khả năng cơ động, độ chính xác cao, bom có khối lượng nhẹ, vậy nên có thể mang theo một số lượng lớn.
Điểm yếu của bom GBU là bán kính sát thương của đầu đạn hạn chế. Đối với các mục tiêu kiên cố, hiệu quả tấn công của bom GBU thấp. Hoạt động của bom GBU có thể bị hệ thống tác chiến điện tử vô hiệu hóa.