Khi cắn người, bọ ve lone star có thể gây ra một dạng rối loạn khó chịu gọi là Hội chứng Alpha-gal (AGS), khiến nạn nhân dị ứng thịt đỏ.
Hiện tượng sốc phản vệ trong AGS không phải do thịt gây ra mà do phân tử đường galactose-α-1,3-galactose hay alpha-gal, có trong một số thực phẩm nhất định, chủ yếu là thịt đỏ, ngoài ra còn có sữa và gelatin, IFL Science hôm 14/6 đưa tin. Alpha-gal chỉ giới hạn trong động vật có vú, nghĩa là không phải mọi loại thịt đều gây dị ứng vì alpha-gal không có trong cá, chim, động vật bò sát, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Nếu bị bọ ve lone star cắn và mắc AGS, các triệu chứng có thể xuất hiện trong khoảng hai giờ sau khi ăn phải món không thích hợp. Các triệu chứng bao gồm ho, buồn nôn, nôn, phát ban, khó thở và tụt huyết áp.
Mức độ nghiêm trọng của AGS khác nhau tùy từng bệnh nhân. Họ có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ hoặc phải chiến đấu với triệu chứng nguy hiểm như sốc phản vệ. Mức độ phản ứng khác nhau nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể không thở được và cảm giác như bị đốt cháy mỗi khi ăn thịt.
Cơ chế gây dị ứng được cho là liên quan đến nước bọt của bọ ve, vốn chứa các protein với phân tử alpha-gal. Sự hiện diện của chúng dẫn đến tình trạng quá mẫn kháng thể IgE với đường, khiến việc tiếp xúc với alpha-gal sau này gây ra phản ứng dị ứng. Sự gia tăng một số tế bào B nhất định cũng liên quan đến phản ứng miễn dịch quá mức với alpha-gal. Chỉ một vết cắn của bọ ve lone star cũng có thể gây dị ứng thịt đỏ suốt đời.
Bọ ve lone star (Amblyomma americanum) sinh sống phổ biến ở miền đông nước Mỹ và Mexico. Chúng cần máu để phát triển ở mọi giai đoạn trong vòng đời nên đã tiến hóa khả năng bám vào mọi thứ, từ gà tây đến hươu và con người. Người ta có thể dễ dàng nhận dạng loài bọ ve này nhờ màu sắc và họa tiết trên cơ thể. Chúng màu nâu đỏ với cơ thể hình bầu dục, con cái có thêm một đốm trắng trên lưng. Ngoài gây dị ứng thịt, bọ ve lone star còn làm lây truyền bệnh nhiễm khuẩn ehrlichiosis.
Thu Thảo (Theo IFL Science)