Bất cập cho nhiều phía
Xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học bộc lộ một số bất cập là câu chuyện được nhắc đến rất nhiều lần tại các hội nghị, hội thảo liên quan đến công tác giáo dục THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Đại diện các trường THPT cho biết, nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm ngay từ tháng 1 hàng năm. Điều này không những không đánh giá được toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh mà còn khiến chất lượng dạy và học tại các trường phổ thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Là giáo viên chủ nhiệm một lớp 12 từng có 100% học sinh trúng tuyển đại học bằng xét tuyển sớm, cô Nguyễn Thị Hoa, một giáo viên ở Hà Nội cho biết: “Biết tin học sinh trúng tuyển đại học thông qua xét tuyển sớm, thầy cô rất vui, nhưng không khí lớp học trong học kỳ 2 của lớp 12 rất nhạt. Các em không còn tập trung hay chuyên cần như trước mà xuất hiện tâm lý chủ quan, học cầm chừng vì chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp là vào đại học. Điều này cũng ảnh hưởng đến học sinh các lớp khác và chất lượng điểm thi tốt nghiệp của trường”.
Còn em Nguyễn Ngọc Huyền, cựu học sinh THPT thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội kể lại: “Lớp em năm trước có khoảng 30 bạn đỗ xét tuyển sớm, còn lại 15 bạn ôn thi tốt nghiệp THPT, trong đó có em. Dù rất muốn toàn tâm toàn ý học nhưng nhìn nhóm bạn “đi học cho có”, không cần ôn luyện để thi tốt nghiệp THPT, chúng em bị phân tâm. Các tiết học ở học kỳ 2 lớp 12 trở lên yên ắng, không còn sôi nổi như trước”.
Thực trạng học sinh lớp 12 biết kết quả trúng tuyển đại học bằng xét tuyển sớm từ tháng 1 trở nên lơ là trong học tập là việc ai cũng thấy rõ và hệ quả vừa làm giảm hứng thú dạy học của thầy cô; vừa kéo chất lượng học tập cấp THPT đi xuống.
Bên cạnh đó, việc xét tuyển bằng học bạ chỉ tính điểm 4 kỳ (lớp 10, lớp 11), hoặc 5 kỳ (lớp 10, 11, kỳ 1 lớp 12) của nhiều trường đại học cũng gặp nhiều phản ứng gay gắt. Chưa kể, việc này còn làm các trường phổ thông mất nhiều thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan xác nhận bảng điểm, học bạ theo yêu cầu của các sở đại học mà học sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm.
Ngoài ra, một nguyên nhân dẫn đến việc tăng tiêu chuẩn xét tuyển bằng học bạ, đó là chất lượng tuyển sinh đầu vào của trường đại học không bảo đảm. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nêu hiện tượng sinh viên trúng tuyển bằng xét học bạ không theo kịp sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi; chênh lệch về trình độ khiến việc giảng dạy trở nên khó khăn; thậm chí trường hợp sinh viên xét tuyển bằng học bạ bỏ học sau 1 -2 năm do không theo được chương trình là việc không quá hiếm.
Từ thực tế trên, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng đề xuất siết quy mô xét tuyển sớm (không quá 20% chỉ tiêu). Cùng với đó, nhiều góp ý tăng điều kiện xét học bạ (xét đủ 6 kỳ); công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm sau 31/5 để học sinh hoàn thành đầy đủ chương trình THPT. Đây được xem là những điều chỉnh phù hợp, tác động tích cực đến công tác dạy – học; giúp tăng chất lượng giáo dục phổ thông, bảo đảm công bằng cho tất cả thí sinh.
Quy đổi thang điểm chung giúp tạo công bằng
Những năm qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển; từ đó, áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu mỗi phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm, chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh.
Tuy nhiên, khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn cho việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo. Việc này dẫn tới chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển; đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều; từ đây lại gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy, dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng lần này quy định quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hầu hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo (trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội).
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cách thức quy đổi phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung; đồng thời không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa. Các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm chứng chỉ ngoại ngữ và điểm cộng ưu tiên khác. Qua đó hạn chế việc lạm dụng, gây bất công bằng giữa các thí sinh.
Áp dụng quy định trên, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển công bằng dựa trên một thang điểm và điểm chuẩn trúng tuyển chung. Cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo. Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động tuyển được những thí sinh giỏi nhất; đồng thời các em có năng lực tốt nhất có cơ hội trúng tuyển sớm và chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Các phương thức, tổ hợp xét tuyển này đều có tiêu chí phù hợp để đánh giá được năng lực học tập của thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Các tiêu chí đánh giá của phương thức, tổ hợp xét tuyển cho cùng một chương trình, ngành đào tạo phải đối sánh được với nhau.
“Việc quy điểm xét tuyển về cùng một thang điểm để bảo đảm các trường chọn được những phương thức xét tuyển phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo mà đơn vị đang tuyển sinh; so sánh được các thí sinh với nhau để chọn thí sinh phù hợp nhất vào học (cho dù có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hay kết quả của các kỳ thi độc lập, chứng chỉ quốc tế)”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) giải thích.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/loai-bo-nhung-hinh-thuc-tuyen-sinh-khong-phu-hop-yeu-cau-tat-yeu.html