Hai hiệu trưởng đại học ở TP HCM lo lắng vì các ngành khoa học cơ bản không được thí sinh quan tâm, tuyển sinh kém.
Ý kiến được PGS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, nêu tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với hai đại học quốc gia, sáng 6/9.
Ông cho rằng cơ cấu ngành học hiện nay có sự bất cập, liên quan đến các ngành khoa học cơ bản.
“Người học chạy theo những ngành xu thế, ngành hot, còn những ngành cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước, xã hội thì không nhận được nhiều sự quan tâm”, PGS Phong nói.
Do đó, ông mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những ngành học rất quan trọng nhưng ít được người học chú ý.
Số sinh viên các ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống thấp hoặc giảm là tình trạng chung của nhiều trường. Tại Đại học Quốc gia TP HCM, có những ngành tuyển không nổi 10 sinh viên hoặc chưa tới 50% chỉ tiêu như Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Khoa học môi trường… Một số ngành như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý chỉ duy trì tuyển khoảng 50-100 sinh viên mỗi năm, ít hơn các ngành khác.
Tính chung trong cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bốn lĩnh vực tuyển sinh kém nhất (Nông Lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội) chỉ tuyển được 49-61% chỉ tiêu đặt ra.
PGS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng khi thực hiện tự chủ, gánh nặng nguồn thu dồn lên vai các trường đại học. Lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội khó tuyển sinh nên các trường đào tạo ngành này gặp nhiều khó khăn.
Bà đề nghị Chính phủ hỗ trợ bằng cách mở rộng diện miễn, giảm học phí cho sinh viên và có cơ chế đặt hàng với những ngành khoa học cơ bản. Hiện, với những ngành khó tuyển nói trên, Đại học Quốc gia TP HCM hỗ trợ sinh viên 35% học phí, các trường thành viên hỗ trợ 20%.
“Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Nếu chúng ta không đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay”, bà Lan nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói đại học quốc gia được thành lập với trọng trách quốc gia về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh huy động nguồn lực xã hội, cơ chế đặt hàng, kết nối doanh nghiệp, đại học vẫn cần nhà nước đầu tư để dẫn dắt sự phát triển.
Trong phương diện đào tạo, đại học quốc gia có sự khác biệt với các cơ sở giáo dục đại học khác. Đây là trung tâm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; thí điểm đào tạo các lĩnh vực mới trong tương lai; đào tạo lĩnh vực liên ngành, công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, các ngành khoa học cơ bản nền tảng mà nhà nước cần nhưng người học ít quan tâm.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sẽ đôn đốc việc ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại học quốc gia trong thời gian tới, là cơ sở pháp lý để phát triển xứng tầm, đúng sứ mệnh.
Ông cũng yêu cầu hai đại học có đề án tổng thể trên cơ sở pháp lý, nhìn nhận về vị trí, tầm quan trọng của mình để đề xuất những vấn đề Nhà nước phải đầu tư, đặt hàng; những nhiệm vụ chiến lược phải thực hiện. Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu tập trung vào những vấn đề mà các trường đại học khác chưa quan tâm, như đầu tư cho khoa học cơ bản, khoa học xã hội và những lĩnh vực trong tương lai có thể thiếu.
“Đại học quốc gia không nên đặt quá nhiều tham vọng trong việc đào tạo các ngành nghề nóng, phải xây dựng triết lý phát triển riêng, đúng tầm và vai trò của mình”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Lệ Nguyễn