Tiền GiangNhiều lo ngại trước đề xuất nâng vận tốc tối đa lên 90 km/h ở cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, do tuyến chưa có làn khẩn cấp, xe đông, dễ xảy ra tai nạn.
Đề xuất nâng tốc độ tối đa từ 80 km/h lên 90 km/h của Cục Đường cao tốc được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải đối với cao tốc 4 làn xe đầu tư phân kỳ nhiều giai đoạn. Đơn vị này cho rằng việc nâng tốc độ xe trong quá trình khai thác đường là “có cơ sở khoa học, thực tiễn, góp phần nâng hiệu quả đầu tư và khai thác các đoạn tuyến”.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51 km, rộng 16 m, 4 làn xe, tổng đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ tháng 4/2022. Do là tuyến từ TP HCM chạy về miền Tây, sau khi hoạt động cao tốc thu hút đông xe, giúp giảm tải cho quốc lộ 1. Thời gian từ thành phố tới Mỹ Thuận từ 3 giờ còn 1 giờ 45 phút.
Lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (đơn vị quản lý, vận hành cao tốc), cho hay lưu lượng xe trung bình trên cao tốc hiện đạt khoảng 22.000-23.000 xe mỗi ngày đêm. Do lượng xe đông, tuyến lại chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ có các điểm dừng, việc nâng tốc độ trong giai đoạn này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Một năm qua, tuyến có trên 7,2 triệu lượt xe đi qua, trên 2.800 sự cố, trong đó hơn 100 vụ ôtô va chạm.
Giám đốc sở Giao thông Vận tải Tiền Giang Trần Văn Bon cũng không đồng ý với đề xuất nâng tốc độ trên cao tốc. Bởi quy định xe được chạy tốc độ tối đa 90 km/h ở đường rộng 3,75 m, nằm ngoài khu vực đông dân cư. Trong khi cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận rộng 3,5 m, chỉ đảm bảo vận tốc 80 km/h.
Theo ông Bon, thay vì đề xuất nâng tốc độ, tuyến đường cần sớm được đầu tư mở rộng ở giai đoạn 2. Sau khi khai thác nửa năm, lượng ôtô trên tuyến tăng nhanh, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư dự án. Công trình mở rộng được tính toán có tổng vốn đầu tư 9.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Trước đó khi triển khai giai đoạn đầu, cao tốc đã được quy hoạch, giải phóng mặt bằng chiều rộng hơn 32 m, đáp ứng xây 6 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp.
Hoàng Nam