Khoan thư sức dân
Là quản lý chuỗi hệ thống siêu thị Mega Market, Giám đốc vùng miền Bắc, ông Nguyễn Anh Phương chứng kiến những lợi ích rõ rệt từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% (thuế GTGT).
Thời điểm Chính phủ đồng ý kéo dài chính sách giảm thuế này đến giữa năm 2024, ông Phương tỏ ra hết sức phấn khởi, vì “khi khách hàng được lợi chúng tôi cũng được lợi” – ông Phương cho biết.
Trên thực tế, sau đại dịch COVID-19, sức mua của người dân giảm sút nhưng cá nhân ông Phương nhận thấy sức mua được cải thiện dần kể từ khi có chính sách giảm thuế GTGT 2%.
Siêu thị Mega Market phục vụ cả khách chuyên nghiệp như khách sạn, nhà hàng, căng tin cho đến khách tiêu dùng trực tiếp nên với chính sách hỗ trợ này, “ai cũng đều được hưởng lợi”.
“Có được chính sách giảm thuế GTGT, siêu thị cũng yên tâm duy trì mặt bằng giá, giúp giữ được dịch vụ ổn định và đặc biệt là giữ chân khách hàng” – ông Phương nói.
Nhìn lại giai đoạn từ năm 2021 đến nay, tư tưởng xuyên suốt trong việc áp dụng chính sách tài khóa của Bộ Tài chính luôn là linh hoạt, mở rộng hợp lý, để tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong một lần chia sẻ với Thời báo Tài chính (cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính) hồi tháng 5.2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Chúng tôi cho rằng, hỗ trợ về thuế, nuôi dưỡng nguồn thu, khoan thư sức dân rất cần thiết, nhưng đồng thời tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, giải phóng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, pháp lý… cho doanh nghiệp phát triển là cực kỳ quan trọng và là nền tảng vững bền cho phát triển bền vững”.
Theo đó, các chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, giảm lệ phí trước bạ, chậm nộp tiền thuê đất, nới rộng bội chi ngân sách, tăng hỗ trợ an sinh xã hội được áp dụng khá nhiều nhằm phục hồi nền kinh tế sau cơn chấn động của đại dịch.
Có thể nói, chính sách tài khóa đã thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh là công cụ điều chỉnh kinh tế vĩ mô của Nhà nước trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Nỗ lực của Bộ Tài chính
Từ sau đại dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để thực thi chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Kết quả thực hiện chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, với số tiền khoảng 700.000 tỉ đồng.
Không chỉ giảm thuế GTGT, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2024; nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn, để chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Thông tư về xây dựng dự toán, điều hành NSNN hằng năm giai đoạn 2022 – 2024; tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp về tài chính – NSNN để hoàn thành nhiệm vụ trong các Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội.
Theo dõi quá trình triển khai thực hiện cho thấy, Bộ Tài chính đã bám sát tình hình, chủ động theo dõi, tổng hợp số liệu, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện thu, chi NSNN; trình cấp thẩm quyền bổ sung nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024; ban hành các giải pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi thường xuyên, chi khác ngân sách để đảm bảo cân đối NSNN và dành thêm nguồn lực NSNN hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, “hơn nửa nhiệm kỳ đã qua, đất nước đã vượt qua nhiều sóng gió, thách thức và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới”.
Những nỗ lực của Bộ Tài chính trong tham mưu, xây dựng và triển khai chính sách tài khóa đã và đang góp phần giúp nền kinh tế vượt chông gai. Hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt.
Năm 2021, tuy GDP ước tính chỉ tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước nhưng không thể phủ nhận nguyên nhân là do những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 lúc này vẫn đang ngấm dần vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong bối cảnh vừa phòng chống dịch sát sao vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả này được coi là thành công lớn.
Sang đến năm 2022, chúng ta đã đạt được kết quả ấn tượng khi sau 36 năm đổi mới, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỉ USD, tăng khoảng 50 lần. Đặc biệt, giai đoạn 1986 – 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới.
Sang đến năm 2023, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, GDP quy mô 430 tỉ USD, tăng trưởng 5,05%, cao gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng 2,9% của kinh tế toàn cầu.
Năm 2024, Việt Nam đã đi được hơn nửa chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,42% (tính đến hết quý II/2024) – đây là mức tăng trưởng khá cao.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/linh-hoat-chinh-sach-tai-khoa-de-on-dinh-kinh-te-vi-mo-1382363.ldo