Hà Nội40 cựu chiến binh Đồn 33 Công an vũ trang nhân dân Lai Châu, nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, Bộ đội Biên phòng Lai Châu, hội ngộ ngày 17/2.
“Giờ này, ngày này 45 năm trước là lúc chiến sự diễn ra ác liệt nhất trong đời binh nghiệp của các đồng đội ngồi đây”, trung tá Lê Anh Năm, nguyên Đồn trưởng Biên phòng Ma Lù Thàng mở đầu cuộc hội ngộ. Đây là lần thứ hai kể từ năm 2019, những người lính già đầu bạc từ khắp các tỉnh thành tề tựu. Họ dành phút mặc niệm, tri ân đồng đội ngã xuống tháng 2/1979 trên khắp dải biên cương phía Bắc.
Năm 1979, đồn 33 đóng quân ở xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ), quản lý hơn 40 km đường biên giới giáp Trung Quốc. Theo trung tá Năm, rạng sáng hôm ấy chỉ có ông và chính trị viên Phạm Trục từng tham gia kháng chiến chống Mỹ có kinh nghiệm cầm súng, những người còn lại trong đồn lần đầu đánh giáp lá cà. Dù vậy, họ vẫn đẩy lùi nhiều đợt tiến công của hai tiểu đoàn quân Trung Quốc.
Sau nửa ngày cầm chân kẻ thù, đồn 33 nhận lệnh lui về tuyến sau, vượt sông Nậm Na tìm đường về huyện lị Phong Thổ củng cố lực lượng. 14 cán bộ chiến sĩ hy sinh ngày 17/2/1979 và 4 người khác ngã xuống trong vòng một tháng sau đó. Sau cuộc chiến, đồn được phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm ấy, đại tá Hà Ngọc Liêm, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Biên phòng, mất hai người thân sau cuộc chiến. Chiến sự nổ ra, ông thuộc Ban Tài chính – Hậu cần của Công an nhân dân vũ trang Lai Châu, nhận lệnh tăng cường vũ khí, hậu cần cho đồn 33. Giữa đường, ông gặp anh em, đồng đội mặt mày lấm lem ngồi nghỉ bên bờ suối sau khi vượt 40 km đường sông, băng rừng rút về sau trận đánh.
“Hình ảnh ấy tôi khắc ghi 45 năm qua, để nhắc mình không được quên cuộc chiến. Đó là trận đánh ác liệt nhất của bộ đội Biên phòng Lai Châu trong suốt 45 năm qua, cũng là trang sử vẻ vang của Đồn Ma Lù Thàng”, ông nói, cho biết mỗi lần về Lai Châu, ông đều đến Ma Lù Thàng, Dào San thắp hương cho đồng đội và đứng lặng trước những tấm bia đá trùng điệp dòng chữ “hy sinh tháng 2 năm 1979”.
Trong cuộc hội ngộ, ngoài các cựu binh còn có người thân, gia đình liệt sĩ góp mặt. Lần đầu tiên gặp nhiều đồng đội từng chiến đấu với chồng, bà Nguyễn Thị Đường xúc động ôn chuyện cũ. Chồng bà – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền bị thương trong trận đánh ngày 17/2/1979 vẫn bám trận địa không lùi bước và hy sinh, đến nay chưa tìm thấy hài cốt.
Liệt sĩ Hiền ngã xuống mà không biết rằng mình sắp có thêm một cô con gái sau hai cậu con trai 6 và 4 tuổi. Sau 49 ngày cho anh, cô giáo Đường cũng mới biết mình đang bầu, rồi hạ sinh con gái út vào tháng 10 cùng năm. Chồng hy sinh, góa phụ 28 tuổi về Điện Biên dạy học, gồng gánh gia đình bốn người bằng đồng lương giáo viên. Mẹ góa con côi trải qua những năm bao cấp, lo toan mắm muối, gạo dầu khó khăn, nhưng bà Đường chưa từng kêu ca.
Những năm sau này, biên giới vẫn chưa ngưng hẳn tiếng súng khi các trận đánh vẫn nổ ra khắp biên giới Lạng Sơn, Hà Giang. Đồng đội cũ của liệt sĩ Hiền thi thoảng ghé qua Điện Biên thăm nom bà Đường và ba đứa trẻ. Khi con trai cả Nguyễn Việt Hùng muốn vào bộ đội biên phòng nối nghiệp cha, bà đồng ý ngay vì tôn trọng nguyện vọng của con và muốn có thêm cơ hội tìm hài cốt chồng.
Nhưng sau 45 năm, vào ngày giỗ của liệt sĩ Hiền, gia đình vẫn thắp hương trên ngôi mộ gió đặt trong khuôn viên nhà ở xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Hai năm trước, lần đầu tiên cô giáo về hưu được lên thăm đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, nơi chồng bà từng công tác.
Sau chiến tranh, phần lớn thành viên đồn ở lại tiếp tục bảo vệ biên cương, một số ít phục viên về làm kinh tế. Các cựu binh đã nhiều lần quay lại Ma Lù Thàng, cùng tìm kiếm hài cốt đồng đội đã hy sinh đưa về quê an táng và kêu gọi đóng góp xây nhà tưởng niệm những người nằm xuống.
Theo trung tá Năm, cuộc hội ngộ hôm nay chỉ được một phần ba quân số đồn năm ấy, song tất cả đều trân quý “bởi không biết 5 năm nữa ai còn ai mất”. Ông cho biết nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Ma Li Pho ngày càng nâng cấp khang trang, được các thế hiện cán bộ, chiến sĩ đang công tác chăm lo hương khói. Điều ông đau đáu là một số đồng đội vẫn chưa thể về quê mẹ sau 45 năm do không tìm thấy hài cốt sau trận đánh.
Hoàng Phương