Nốt gót Evergrande, một “đại gia” bất động sản khác của Trung Quốc là Công ty phát triển bất động sản Country Garden Holdings cũng đang lâm vào thế trực chờ… vỡ nợ
Country Garden còn khoảng 30 ngày để thực hiện nghĩa vụ thanh toán quá hạn, nếu không muốn rơi vào tình trạng vỡ nợ. (Nguồn: Bloomberg) |
Từng là công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, nguy cơ Country Garden vỡ nợ đang thu hút sự quan tâm của dư luận và nhiều nhà đầu tư sau khi chậm thanh toán hai loại trái phiếu bằng đồng USD có giá trị lên tới 22,5 triệu USD vào đầu tháng này và bị đình chỉ giao dịch 11 lô trái phiếu trong nước vào tuần trước.
Country Garden còn khoảng 30 ngày để thực hiện nghĩa vụ thanh toán quá hạn, nếu không muốn rơi vào tình trạng vỡ nợ. Phía công ty cũng cho biết sẽ “làm mọi thứ có thể để tự cứu mình và cố gắng hết sức để thực hiện các dự án cũng như trả nợ”.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, để ngăn tình trạng vỡ nợ, Country Garden đã đề xuất kế hoạch gia hạn nợ đối với lô trái phiếu trong nước với tổng giá trị 3,9 tỷ NDT (533,6 triệu USD), dự kiến đáo hạn vào ngày 2/9.
Công ty này cũng đang tìm cách đạt được thỏa thuận với các chủ nợ. Theo đó, Country Garden sẽ trả trước cho mỗi chủ nợ số tiền 100.000 NDT và hoàn trả số tiền còn lại thành 7 đợt trong vòng 3 năm.
Ngân hàng JPMorgan ước tính, Country Garden và các công ty con sẽ phải đối mặt với hơn 2,5 tỷ USD khoản nợ thanh toán trái phiếu và các khoản nợ trong và ngoài nước đến hạn trước cuối năm nay.
“Quy tắc chung là nếu công ty không thể thanh toán cho tất cả người mua trái phiếu khi đến hạn, công ty sẽ phải ngừng thanh toán cho tất cả các chủ nợ và cơ cấu lại khoản nợ của mình”, JP Morgan bình luận.
Các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Morningstar cho biết, nếu không có sự hỗ trợ tín dụng bổ sung từ các nhà quản lý Trung Quốc và các tổ chức tài chính lớn, Country Garden sẽ tiếp tục chứng kiến nguy cơ vỡ nợ ở nước ngoài ngày càng cao.
Để tiếp tục tồn tại, một số biện pháp mà Country Garden có thể áp dụng bao gồm thanh lý tài sản, gia hạn nợ, đề nghị trao đổi, phát hành cổ phiếu…
“Dù lý thuyết là như vậy nhưng việc xử lý tài sản và đề nghị trao đổi nợ sẽ khó có thể giúp các công ty bất động sản loại bỏ được các khoản nợ. Nhiều công ty từng áp dụng các biện pháp như vậy nhưng vẫn không thể tránh được nguy cơ vỡ nợ”, một nhà phân tích của Morningstar cho biết.
Ông John Lam, Giám đốc điều hành, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) của ngân hàng UBS cho rằng, nếu Country Garden bị vỡ nợ, tác động tiêu cực là các công ty bất động sản khác cũng sẽ nối gót lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại, cuộc khủng hoảng thanh khoản tại Country Garden có thể lan sang các công ty cùng ngành, khi giá trị tài sản thế chấp giảm và người dân trở nên thận trọng hơn khi mua nhà, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ.
Công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price Group và Ngân hàng đầu tư Jefferies Financial Group nhận định, các nhà phát triển bất động sản do tư nhân điều hành có nhiều dự án tại các thành phố nhỏ của Trung Quốc sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro kéo theo nếu “anh cả” trong ngành Country Garden bị vỡ nợ.
Sheldon Chan, nhà quản lý danh mục đầu tư tại T. Rowe Price dự báo: “Hậu quả của việc Country Garden không thanh toán được nợ thì sẽ ảnh hưởng đến các nhà phát triển bất động sản tư nhân khác và gây nên hiệu ứng lây lan. Trong trường hợp vỡ nợ, các nhà phát triển bất động sản tư nhân khác cũng có thể gặp thiệt hại về tài sản thế chấp”.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Ron Thompson, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn tái cấu trúc toàn cầu Alvarez & Marsal (A&M) châu Á, vỡ nợ đôi khi không hẳn là “ngày tận thế” bởi đây có thể là lựa chọn không tệ, giúp các công ty có thể bảo toàn tiền mặt, tái cơ cấu và đảm bảo quyền lợi cho một số bên liên quan.
“Vấn đề của một số công ty bất động sản Trung Quốc là để tránh vỡ nợ, những công ty này đã vay rất nhiều tiền và gánh chịu nhiều chi phí mà không đưa ra được giải pháp bền vững”, ông Ron Thompson phân tích.