Có gì trong gói cấm vận mới?
Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là sau khi các lực lượng vũ trang Ukraine tấn công vào khu vực Kursk của Nga. Và nhằm tiếp tục gây sức ép lên Nga ở mặt trận kinh tế, EU như thường lệ đã có những phản ứng trước mỗi sự gia tăng căng thẳng trong cuộc xung đột Nga – Ukraine bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung mới.
Theo tờ Izvestia, hiện EU đang xây dựng các gói trừng phạt mới tiềm năng. Mặc dù không cung cấp thông tin chi tiết do “đang trong quá trình thảo luận nội bộ”, song một thành viên Nghị viện châu Âu, ông Tomasz Zdechowsky nói với Izvestia rằng, gói trừng phạt mới có thể sẽ nhắm đến ngành luyện kim của Nga.
Trước đó, vào tháng 3/2022, lần đầu tiên lĩnh vực này phải chịu các hạn chế của phương Tây như một phần trong gói cấm vận lần thứ tư. Sau đó, những hạn chế này đã ảnh hưởng đến một loạt sản phẩm thép, đặc biệt là về tấm kim loại, sản phẩm thiếc, phụ kiện, thanh dây thép không gỉ, ống thép liền mạch, sản phẩm từ sắt,…
Tiếp đó, vào tháng 10/2022, trong gói cấm vận thứ tám, các lệnh trừng phạt mở rộng sang lĩnh vực nhập khẩu các sản phẩm thép từ Nga sang châu Âu, bao gồm cả thép tấm, một bán thành phẩm được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm thép dẹt. Đồng thời, EU cũng đưa ra hạn ngạch để cho phép các nước thành viên tiếp tục nhập khẩu bán thành phẩm cần thiết từ Nga. Ví dụ như từ ngày 7/10/2022 đến ngày 30/9/2023 các nước EU được phép nhập khẩu 3,75 triệu tấn đá phiến từ Nga. Con số này tiếp tục được gia hạn trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024.
Ngoài ra, giới quan sát cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới cũng có thể ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá. Trong gói trừng phạt đưa ra vào tháng 4/2022, EU đã từ chối nhập khẩu động vật giáp xác và trứng cá muối từ Nga. Tuy nhiên, theo ấn phẩm Die Welt của Đức, EU cũng đang thảo luận về lệnh cấm các mặt hàng cá tươi, đặc biệt là cá minh thái của Nga ở châu Âu. Các nước vùng Baltic và đặc biệt là Lithuania đang kiên quyết thực hiện các hạn chế này đối với Nga. Theo Die Welt, 85% cá minh thái tiêu thụ ở Đức hiện có nguồn gốc từ Nga.
Người đứng đầu Liên minh Công nghiệp đánh cá ở Đức, Steffen Mayer, cho biết Đức sẽ gặp nhiều khó khăn trong trường hợp không thể nhập khẩu cá hồi và cá tuyết từ Nga. Nếu lệnh cấm vận được đưa ra, giá cả về mặt hàng này tại Đức sẽ leo thang nghiêm trọng, kéo theo hàng nghìn công nhân bị mất việc làm. Theo ông Steffen Mayer, ngành chế biến cá ở Đức có thể sẽ bị sụp đổ hoàn toàn.
Cấm vận có thể giải quyết vấn đề?
Điều đáng chú ý là một tháng trước khi áp dụng gói cấm vận thứ tám, 9 công ty luyện kim lớn của châu Âu đã viết thư cho Ủy ban châu Âu yêu cầu không đưa ra lệnh cấm nhập khẩu thép bán thành phẩm. Nguyên nhân các công ty này đưa ra là 80% hàng nhập khẩu đến từ Nga và Ukraine. Trong bối cảnh các nhà máy Ukraine buộc phải đóng cửa do xung đột quân sự leo thang thì nguồn cung từ Nga trở nên vô cùng quan trọng đối với ngành luyện kim của châu Âu.
Tuy nhiên, theo Ivan Timofeev, Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), cho rằng không loại trừ khả năng EU có thể tìm kiếm nguồn cung thay thế nguyên liệu thô từ Nga và giảm hoặc thậm chí hủy bỏ các hạn ngạch nhập khẩu trong gói trừng phạt mới.
“Một ví dụ điển hình liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Trước đây, truyền thông và giới chuyên gia cho rằng không có lựa chọn thay thế nào của châu Âu đối với khí đốt của Nga. Song cuối cùng lĩnh vực này lại là lĩnh vực mà châu Âu siết chặt nhất, và thậm chí đang hướng tới việc “cai” hoàn toàn khí đốt Nga. Cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng nếu không có kim cương Nga, hoạt động kinh doanh ở Bỉ sẽ sụp đổ. Nhưng mặt hàng này vẫn nằm trong danh sách bị cấm vận”, ông Ivan Timofeev nói với tờ Izvestia.
Về những rủi ro liên quan đến các lệnh trừng phạt, ông Ivan Timofeev cho rằng, các công ty, chủ sở hữu và người tiêu dùng châu Âu sẽ là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng do giá cả leo thang. Còn về phía Nga, ngành luyện kim nói riêng và nền kinh tế Nga nói chung cũng sẽ không tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng. Giải pháp duy nhất của Nga là nhanh chóng tìm kiếm các đối tác thay thế, có thể nhắm đến thị trường các nước châu Phi trong bối cảnh nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực này đang gia tăng.
Rõ ràng, các lệnh trừng phạt luôn là con dao hai lưỡi và dù ít hay nhiều, chúng sẽ tác động đến nền kinh tế các nước EU, vì thực tế là các sản phẩm của Nga có tính cạnh tranh khá cao. Theo chuyên gia Ivan Timofeev, khi bất kỳ một biện pháp trừng phạt nào được đưa ra, sẽ có người thắng, kẻ thua.
Năm 2014, các hạn chế được phương Tây đưa ra đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, đặc biệt là các dự án ở Bắc Cực. Nhiều công ty Mỹ buộc phải cắt giảm hoạt động kinh doanh vì thua lỗ do tác động từ gói cấm vận này. Ngược lại, cũng có những người vận động hành lang cho những biện pháp trừng phạt này để thu lại lợi nhuận. Song cuối cùng, người tiêu dùng sẽ là đối tượng bị tác động nặng nề nhất khi giá cả leo thang, lạm phát gia tăng.
Về phía Nga, nước này đã nhiều lần chỉ ra với các nước phương Tây rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow có tác dụng ngược và không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề. Các biện pháp trừng phạt kinh tế không dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Nga – mặc dù chịu thiệt hại lớn nhưng nước này đang nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới.
Bộ Tài chính Nga cho biết, trong tháng 5/2024, ngân sách liên bang ghi nhận thặng dư lần đầu tiên trong một năm qua, khi thu đạt 2.600 tỷ Rúp (29 tỷ USD) và chi 2.100 tỷ Rúp. Còn theo Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) báo cáo trong quý II/2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 4,4% trên cơ sở hằng năm và dự kiến sẽ tăng 3,2% trong quý III/2024.
Ngày 16/8, ông Dmitry Birichevsky, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới chưa tham gia vào các biện pháp cấm vận Nga, nhưng buộc phải thu hẹp phạm vi hợp tác do lo ngại các biện pháp trừng phạt thứ cấp mà Mỹ áp đặt. Theo Dmitry Birichevsky, đến nay đã có hơn 20 nghìn lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Nga, bao gồm các hạn chế cá nhân, tổ chức, nhắm vào các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế Nga, cũng như phong tỏa tài sản.
Trong khi đó, tờ Izvestia dẫn nhận định của ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga cho rằng, nền kinh tế các nước châu Âu cũng chịu thiệt hại nặng nề kể từ khi bắt đầu cuộc chiến cấm vận với Nga. “Các nước châu Âu mất đi những nguyên liệu thô giá rẻ và tiếp tục chặt cái cành mà chính họ đang ngồi. Các nước này từ chối dầu của Nga, song buộc phải mua dầu giá cáo qua nước thứ ba. Tiếp đó, châu Âu “cai” khí đốt của Nga để bắt đầu mua khí hóa lỏng của Mỹ với giá đắt gấp đôi nhưng Mỹ cũng không có đủ trữ lượng để đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Châu Âu sẽ phải tìm kiếm các nhà cung cấp mới, rất có thể là từ Trung Đông. Và đối với lần này, nếu châu Âu không muốn mua nguyên liệu luyện kim của Nga, Moscow sẽ tìm kiếm thị trường khác thay thế”, Vladimir Dzhabarov nói.
Theo Thượng nghị sĩ này, một khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine kết thúc, các biện pháp trừng phạt sẽ bắt đầu giảm bớt. Bởi lẽ, nếu châu Âu quyết định duy trì các hạn chế, điều đó sẽ gây ra những khó khăn rất lớn đối với các nước này do những lợi ích đã mất từ quan hệ đối tác với Nga.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-dau-hoi-phia-sau-viec-lien-minh-chau-au-lai-chuan-bi-goi-cam-van-nga-post308826.html