Theo tờ CNN, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu mới đây từng tuyên bố rằng việc tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah – Hassan Nasrallah là bước đầu tiên trong việc “thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực trong nhiều năm tới”. Theo đó, Israel đã nhìn thấy cơ hội để tái cấu trúc quyền lực ở Trung Đông và ông Netanyahu cho rằng Hezbollah đã suy yếu nghiêm trọng. Tuy nhiên, chiến thắng tuyệt đối vẫn còn xa vời và những ai “dục tốc bất đạt” thường phải đối mặt với hối tiếc.
Từ ngày 17/9, Israel đã liên tục giáng những đòn mạnh vào Hezbollah – nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn tại Lebanon. Ban đầu là các vụ nổ máy nhắn tin, sau đó là cuộc không kích lớn tại phía nam Beirut khiến chỉ huy cấp cao Ibrahim Aqil cùng hàng chục dân thường thiệt mạng. Tối ngày 27/9, một bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột đã xảy ra khi thủ lĩnh Hezbollah, ông Nasrallah cùng nhiều cộng sự thân cận đã bị hạ sát trong một cuộc không kích quy mô lớn.
Tuy nhiên, lịch sử gần đây đã mang lại nhiều bài học cay đắng cho các nhà lãnh đạo Israel và những người có tham vọng lớn về việc thay đổi cục diện ở Lebanon cũng như Trung Đông.
Áp phích với hình thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tại một tang lễ tượng trưng ở Thổ Nhĩ Kì hôm 29/9. Ảnh: Reuters |
Những bài học từ cuộc chiến năm 1982
Vào tháng 6 năm 1982, Israel đã phát động cuộc xâm lược Lebanon với mục tiêu tiêu diệt Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Xa hơn nữa, họ hy vọng sẽ dựng lên một chính phủ thân Israel do người Kitô giáo lãnh đạo ở Beirut và đẩy lực lượng Syria ra khỏi đất nước này.
Một binh sĩ Israel cầu nguyện bên cạnh một đơn vị pháo binh di động đóng gần thị trấn Fasuta ở phía bắc Israel. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, tất cả những mục tiêu đó đều thất bại. Đúng là các nhóm vũ trang Palestine đã buộc phải rời khỏi Lebanon theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, khiến họ phải lưu vong ở Tunisia, Yemen và các nơi khác, nhưng mục tiêu dập tắt khát vọng quốc gia của người Palestine cùng tổ chức PLO đã không thành công. Năm năm sau, phong trào nổi dậy của người Palestine tiếp tục bùng nổ ở Gaza và nhanh chóng lan rộng ra Bờ Tây cho đến tận ngày nay, người Palestine vẫn kiên quyết chống lại sự chiếm đóng của Israel.
Đồng minh chính của Israel tại Lebanon vào thời điểm đó là Bashir Al-Gemayel, một lãnh đạo dân quân Kitô giáo Maronite, người đã được bầu làm tổng thống bởi quốc hội Lebanon. Tuy nhiên, trước khi ông nhậm chức, ông đã bị ám sát trong một vụ nổ lớn ở phía đông Beirut. Anh trai ông, Amin Al-Gemayel lên thay thế. Dưới sự lãnh đạo của Amin và với sự thúc đẩy hoà giải mạnh mẽ từ Mỹ, Lebanon và Israel đã ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương vào tháng 5/1983. Tuy nhiên, dưới áp lực của phe đối lập, chính phủ này đã sụp đổ vào tháng Hai năm sau, và thỏa thuận cũng nhanh chóng bị hủy bỏ.
Về phía Mỹ, sau khi họ triển khai quân đội tới Beirut để ổn định tình hình sau vụ thảm sát Sabra-Shatila vào tháng 9/1982 đã phải rút quân khi đại sứ quán của họ bị đánh bom hai lần, lần lượt sau đó là các doanh trại của lính thủy đánh bộ Mỹ và quân đội Pháp vào tháng 10/1983.
Cuộc nội chiến tại Lebanon lại tiếp tục bùng nổ và kéo dài hơn 6 năm.
Năm 1976, Lực lượng Syria đã tiến vào Lebanon với danh nghĩa “lực lượng răn đe” theo ủy nhiệm của Liên đoàn Ả Rập đã không rời khỏi Lebanon cho đến năm 2005 sau khi cựu Thủ tướng Rafiq Al-Hariri bị ám sát.
Có lẽ kết quả quan trọng nhất của cuộc chiến ở Lebanon năm 1982 là sự ra đời của Hezbollah. Nhóm này đã phát động cuộc chiến du kích kiên cường, buộc Israel phải đơn phương rút quân khỏi miền nam Lebanon, đánh dấu lần đầu tiên một lực lượng quân sự Ả Rập thành công trong việc đẩy lùi Israel khỏi lãnh thổ Ả Rập. Lực lượng này với sự hỗ trợ của Iran đã chứng tỏ mình nguy hiểm và hiệu quả hơn nhiều so với các chiến binh Palestine mà Israel từng đối phó.
Hezbollah không chỉ tồn tại sau cuộc chiến mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành một lực lượng hùng mạnh và được Iran hậu thuẫn. Họ đã chống lại Israel trong cuộc chiến năm 2006 và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn với sự hỗ trợ từ Iran. Hiện tại, dù Hezbollah bị suy yếu, có dấu hiệu hỗn loạn và bị tình báo Israel thâm nhập nhưng việc cho rằng nhóm này sắp đến hồi kết thúc là quá sớm.
Cảnh báo về những thay đổi
Nhìn vào những cột khói bốc lên từ thủ đô Beirut bây giờ, chúng ta lại nhớ đến lời của Condoleezza Rice – Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã nói trong cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah năm 2006. Bà đã nói rằng mọi cảnh đổ máu và sự tàn phá lúc đó chỉ là “những cơn đau đẻ của một Trung Đông mới”.
Cần cảnh giác với những ai hứa hẹn về một bình minh mới, sự ra đời của một Trung Đông mới hay một sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Lebanon là tấm gương phản chiếu mọi điều có thể sai lầm. Đây chính là vùng đất của những hậu quả không lường trước được.
Nguồn: https://congthuong.vn/israel-va-tham-vong-o-chao-lua-trung-dong-lebanon-la-tam-guong-phan-chieu-moi-dieu-co-the-sai-lam-349304.html