Bí quyết chiến thắng của Lê Văn Tuấn – nhà vô địch VM Quy Nhơn hai lần – nằm ở việc tập thích nghi nắng nóng, chạy dốc, tiếp nước đều đặn.
VM Quy Nhơn là đường chạy ưa thích của Lê Văn Tuấn trong hệ thống VnExpress Marathon. Hai mùa gần nhất vào năm 2020 và 2022, chân chạy 39 tuổi đều lên ngôi vô địch. Khoảng một tháng trước mùa giải thứ 4, anh nỗ lực tập luyện với mục tiêu lần thứ ba đăng quang.
Lê Văn Tuấn cho rằng đặc trưng của VM Quy Nhơn là thời tiết oi nóng, độ ẩm cao nên việc tập thích nghi rất quan trọng. Mỗi tuần, anh luôn có một buổi tập với giờ muộn hơn so với mọi khi. Tuy tần suất ít, thời gian chỉ khoảng 60 phút, nhưng buổi tập này quan trọng, cần duy trì ít nhất một tháng trước giải để cơ thể quen với nền nhiệt cao. Ngoài ra, anh xen kẽ các buổi tập bổ trợ HIT (tập cường độ cao) để cơ thể tăng ngưỡng chịu đựng, tăng sức bền.
Đường chạy VM Quy Nhơn qua 6 cây cầu liên tiếp, trong đó có cầu Thị Nại dài gần 7 km. Nhiều cầu đồng nghĩa với nhiều đoạn dốc lên xuống liên tiếp. Theo Lê Văn Tuấn, chế độ tập trước giải cũng nên bổ sung các bài chạy dốc. Các bài tập này có thể thực hiện trên máy chạy, đi bộ cầu thang hoặc thực hành trên dốc ngắn 100 – 200 mét. Phương pháp là chạy nhanh lên dốc sau đó đi bộ thư giãn hoặc chạy chậm xuống dốc, lặp lại vài lần theo cảm nhận sức khỏe cá nhân. “Một tháng trước giải là thời điểm quan trọng. Thực tế, runner chỉ có ba tuần để tập cường độ cao, tuần cuối tập nhẹ để cơ thể thư giãn, phục hồi thể trạng”, nam runner chia sẻ.
Giải có khoảng 15 km gần như không bóng cây hay nhà cửa che nắng. Đường đua thoáng đãng mang nhiều cảm hứng nhưng cũng là thử thách cho những runner chạy sub5 hay sub6 vì khi mặt trời lên, nền nhiệt sẽ tăng nhanh, gió liên tục. Runner ra đến cầu Thị Nại sẽ bắt đầu cảm nhận sự ảnh hưởng của nắng của gió. Vì đường chạy theo cả hai chiều nên sẽ có thời điểm gió xuôi và ngược. Gió ngược chiều tuy tạo cảm giác mát, nhưng runner phải cần lực mạnh hơn khi chạy.
Tiếp nước là yếu tố quan trọng. Lê Văn Tuấn khuyên runner không bỏ qua bất cứ trạm nước nào, tận dụng mút xốp để chèn vào lưng, dội nước để làm mát cơ thể. Trang phục thi đấu cũng nên là loại áo tay dài, có mũ, kính râm để tránh nắng. Túi đồ cần chuẩn bị sẵn gel, muối, điện giải để dùng khi cần thiết. “Có thể quay đầu ở cầu Thị Nại, nhiều người sẽ phải đấu tranh tâm lý dừng hay tiếp. Quan trọng là cảm nhận cơ thể, đừng quá sức. Marathon là quá trình tích lũy lâu dài, nếu không có sự chuẩn bị tốt, tôi vẫn khuyên runner dừng lại để đảm bảo an toàn, tránh chấn thương”, tuyển thủ quốc gia chia sẻ.
Lê Văn Tuấn khuyên VĐV áp dụng chiến thuật chạy nửa sau nhanh hơn nửa đầu. Với những người đặt mục tiêu dưới 4 tiếng. nửa đầu nên chạy với pace 5:52, nửa sau pace 5:40 – 5:30. Trong khi đó, VĐV mục tiêu sub5, nửa đầu nên chạy pace 7:15, nửa sau pace 6:53.
Năm 2020, Lê Văn Tuấn vô địch giải với thời gian 2:33:07. Hai năm sau, thành tích của anh là 2:36:37. Đến hiện tại, anh vẫn là cái tên duy nhất vô địch giải một giải đấu trong hệ thống VM hai lần liên tiếp. Với mùa giải khởi tranh ngày 11/6 tới, chân chạy 39 tuổi đặt mục tiêu vượt qua thành tích trước đây. Theo anh, việc nỗ lực để phá giới hạn bản thân quan trọng hơn những giải thưởng. Ngày nào còn đủ sức anh vẫn muốn chạm những cột mốc mới.
Việc cạnh tranh cùng những đối thủ mạnh trong hệ thống VnExpress Marathon là cách Tuấn chứng minh nỗ lực và sự bền bỉ của bản thân. So với vài năm trước, số lượng VĐV giỏi đã tăng lên nhanh chóng với nhiều gương mặt trẻ nhanh, mạnh, đầy hứa hẹn. Với tốc độ phát triển hiện tại, Lê Văn Tuấn tin thành tích của marathon Việt sẽ cải thiện trong thời gian ngắn.
Ngoài đường chạy, runner của Bình Dương đang tập trung xây dựng công ty phát triển cộng đồng marathon. Anh mong định hướng mới sẽ giúp truyền cảm hứng, thu hút thêm nhiều người quan tâm tập luyện, chăm lo sức khỏe. “Tôi muốn xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, phát hiện nhiều tài năng mới cho làng chạy, đóng góp một ít cho sự phát triển thể thao nước nhà”, anh nói.
VnExpress Marathon Sparlling Quy Nhơn mùa thứ 4 diễn ra ngày 11/6. Giải thu hút 10.000 runner. Năm nay, ban tổ chức dự kiến không thay đổi quá nhiều về đường chạy, vẫn giữ những nét đặc trưng như con đường ven biển Xuân Diệu, chinh phục cầu Thị Nại, qua cánh đồng điện gió Phương Mai. Đây là giải đầu tiên trong hệ thống có mũ quà quần finisher cho cự ly full và half marathon.
Hoài Phương