Lễ tế xuân ở làng Thai Dương

HeritageHeritage07/02/2025

Chuyện kể rằng, buổi đầu lập làng Thai Dương vào đầu thế kỷ 14, ngài họ Trương, một trong 3 họ thủy tổ khai canh của làng vốn không thích “cuốc đất lật cỏ” làm nông, mà chỉ thích “ghe mành bám biển”, nên đã chọn phần đất phía dưới của làng để mưu sinh.

Cuộc sống khấm khá dần lên, nhất là so với cư dân ở các làng lân cận. Dân làng từ đó theo ông học nghề biển, tôn ông làm Thành hoàng, lập miếu thờ, và cứ “tam niên đáo lệ” (3 năm một lần) tổ chức lễ cầu ngư để tưởng nhớ đến vị tổ nghề.

Dưới góc nhìn địa lý, những biến cố thiên tai đã tác động triền miên đến dải đất ven biển Thừa Thiên Huế trong lịch sử, sử sách ghi nhận những trận lũ lụt dữ dội vào dưới thời vua Thành Thái triều Nguyễn.

Vào những năm 1897, 1904, lũ lụt và bão biển đã mang đất cát lấp kín cửa Eo (cửa biển Thuận An cũ) và mở ra cửa Sứt (cửa biển Thuận An hiện nay). Biến cố này đã khiến ngôi làng Thai Dương vốn có bị chia tách làm 2 làng Thượng và Hạ cách nhau qua cửa biển.

Trên địa giới hành chính hiện nay, làng Thai Dương Thượng nằm ở phía tả cửa biển, thuộc xã Hải Dương, thành phố Huế; làng Thai Dương Hạ nằm ở phía hữu, thuộc phường Thuận An, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố Huế chừng 12km về hướng Đông Bắc.

Vào buổi chiều này 9 tháng Giêng âm lịch, các vị bô lão và cư dân làng Thai Dương Hạ tổ chức lễ cung nghinh Thành hoàng làng từ miếu thờ về đình làng. Đoàn cung nghinh có đầy đủ chiêng trống, cờ xí, lỗ bộ, dàn nhạc bát âm và đặc biệt là chiếc ghe tượng trưng được gánh bởi những tráng niên, diễu hành từ đầu đến cuối làng, sau đó vào đình làng.

Đêm ngày mồng 9 diễn ra lễ túc yết, tế cáo thần linh. Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 10 lễ chánh tế được cử hành với đầy đủ phẩm vật và nghi thức long trọng của vị chánh tế và bồi tế. Sau lễ chánh tế, lễ trình nghề được tiến hành như một trò diễn hướng thần, nhằm tưởng nhớ đến Thành hoàng - vị tổ nghề đã truyền dạy cho dân làng cách thức để bám biển mưu sinh.

Sau 3 hồi trống của vị chấp lệnh, vị trưởng làng sẽ tung tiền và phẩm vật ra sân đình để các em nhỏ chen nhau vào nhặt lấy. Các em nhỏ trước đó đã được hóa trang thành các loại tôm, cua, cá, mực...

Song song, các tráng đinh đóng vai ngư phủ đứng kề cạnh buông cần câu để các em nhỏ đã được hóa trang thành các loài hải sản tranh nhau đớp mồi. Bên cạnh đó, một nhóm người khác khiêng chiếc ghe mành sơn đỏ, bên trên có người ngồi chạy vào sân đình, vòng quanh các em nhỏ hóa trang.

Người ngồi trên thuyền bắt đầu buông lưới bủa vây lấy số “hải sản” bên dưới. Lưới vây “tôm”, “cá” thành vòng tròn trong sân đình, số “hải sản” thì cố tìm cách thoát ra, trong khi những người trên thuyền thì đang tái hiện động tác dô, hò, kéo lưới giữa biển khơi. Khi vòng lưới thu nhỏ lại, người ngư phủ trên thuyền nhảy xuống bắt lấy “con cá” to nhất mang vào đình dâng cúng cho Thành hoàng.

Rồi số “hải sản” bắt được khi thu lưới sẽ được đặt vào thúng, gánh bởi các bà, các mẹ, một số mang ra bờ biển rửa nước muối, tượng trưng cho việc chế biến hải sản; số khác được gánh ra chợ bán. Những người đóng giả thương lái khi mua những hải sản này cũng kì kèo trả giá như mua những hải sản thật, cũng nhộn nhịp ồn ào như phiên chợ thực sự.

Tạp chí Heritage



Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available