Đọc đề án tuyển sinh để chọn trường đại học cùng em trai, chị Thanh Lam bật cười khi trường nào cũng “90-100% sinh viên có việc làm”.
Cách đây 3 năm, Thanh Lam, 26 tuổi, nhận đường link khảo sát việc làm sau một năm tốt nghiệp của trường đại học cũ. Bị nhắc tới lần thứ ba, chị mới vào điền thông tin cá nhân và trả lời một số câu khảo sát.
Theo danh sách lớp trưởng tổng hợp, chỉ 14/47 sinh viên lớp Lam hoàn thành khảo sát này. Tất cả phản hồi đã có việc làm. Theo thông tin trường công bố từ đó đến nay, năm nào tỷ lệ sinh viên có việc làm cũng quanh mức 90%.
“Với tỷ lệ sinh viên phản hồi rất nhỏ, như lớp tôi chưa đến một phần ba, chưa kể không cần minh chứng, tôi không thấy những con số trường công bố là đáng tin”, chị Lam chia sẻ. Có em trai chuẩn bị xét tuyển đại học, đang tìm hiểu ngành và trường, chị Lam khuyên bỏ qua thông tin về tỷ lệ việc làm vì “na ná nhau, đều trên 90%”.
Thực tế, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm “cao ngất ngưởng” của các trường đại học khiến nhiều người nghi ngờ, cho rằng không chính xác, trong khi đây là dữ liệu quan trọng giúp thí sinh, phụ huynh định hướng nghề nghiệp.
Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp luôn trên 90%.
Tại Đại học Điện lực, tỷ lệ này năm 2020 là 98% ở tất cả ngành. Với Đại học Thương mại, tỷ lệ đạt 98,89%, một số ngành đạt 100% như Kế toán, Hệ thống thông tin quản lý, Thương mại điện tử. Đại học Kiến trúc TP HCM cũng công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm trong đề án tuyển sinh năm nay là 98,54%, nhiều ngành 100% như Thiết kế nội thất, Kiến trúc cảnh quan, Kỹ thuật cấp thoát nước, Công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, Navigos Group – công ty dịch vụ việc làm lớn nhất ở Việt Nam, hồi tháng 5 công bố dữ liệu cho thấy nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp trong 4 tháng đầu năm nay giảm 49% so với thời điểm cùng kỳ các năm trước Covid-19.
Trước đó một tháng, TS Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, cũng chia sẻ năm 2023, dự báo nhu cầu lao động đã qua đào tạo của thành phố chiếm 86,45% tổng số lao động, trong đó trình độ đại học chỉ chiếm 23,54%.
Nhiều cựu sinh viên cũng cho rằng số liệu từ các trường không chính xác.
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền được gần một năm, Hà Duy, 23 tuổi, cùng nhiều bạn trong lớp chưa nhận được yêu cầu trả lời khảo sát nào về việc làm. Trong khi đó, Nguyễn Tú, tốt nghiệp Đại học Xây dựng năm 2022 nói có làm khảo sát của trường nhưng không nhớ hết nội dung do bảng hỏi quá dài, nhiều câu “điền bừa”.
“Phải chăng trường chọn lọc mẫu để khảo sát nhằm đưa ra một con số đẹp?”, Duy đặt câu hỏi.
Cán bộ một trường đại học tại Hà Nội cho biết thông thường, các trường luôn thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số phản hồi và tỷ lệ có việc làm trên tổng số tốt nghiệp (tính cả số không phản hồi).
“Hai tỷ lệ này luôn chênh lệch nhau, trong đó tỷ lệ tính trên số sinh viên phản hồi thường cao chót vót vì hầu hết trường không đạt 100% phản hồi, thậm chí có ngành dưới 50%. Sinh viên tham gia phản hồi thường đã có việc làm”, cán bộ này chia sẻ.
Chẳng hạn, trường Đại học Thương Mại có 98,9% sinh viên có việc làm tính trên số phản hồi. Nhưng nếu tính tổng số tốt nghiệp, tỷ lệ này còn 77,9%. Tương tự, hai tỷ lệ này ở Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM lần lượt là 97,7%, và 75,1%.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề án tuyển sinh cần công khai tỷ lệ tốt nghiệp đã có việc làm, không nói rõ là tỷ lệ nào.
“Các trường thường khai tỷ lệ sinh viên có việc làm dựa trên tổng số sinh viên phản hồi nên con số rất đẹp”, bà nói. Việc này không sai nhưng số liệu lập lờ, khó đánh giá chính xác vì mẫu khảo sát không chuẩn.
Lĩnh vực có tỷ lệ việc làm cao nhất theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng việc “làm đẹp” số liệu khiến phụ huynh, học sinh dự đoán sai về nhu cầu lao động ở các ngành, nghề, nhìn cơ hội việc làm toàn màu hồng, từ đó có thể định hướng sai.
Điều này, theo ông Khuyến bắt nguồn từ áp lực thu học phí. Ông lý giải các trường đang tiến tới tự chủ tài chính, ngân sách cấp giảm nên học phí là nguồn thu chính của hầu hết trường. Tuy nhiên học phí phải theo quy định của Chính phủ, không được tăng ồ ạt nên muốn tăng nguồn thu thì phải tăng tuyển sinh. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để được tăng chỉ tiêu thì các trường phải có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng 12 tháng đạt từ 80% trở lên.
“Đó là một trong những động cơ khiến các trường làm đẹp số liệu về tỷ lệ việc làm của sinh viên”, ông Khuyến nhận định.
Ở góc độ trường đại học, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, cho rằng việc đưa ra số liệu có việc làm sát với thực tế rất khó khăn.
“Chúng tôi có đội ngũ khoảng 50 thành viên, được tập huấn kỹ năng phỏng vấn nhằm khảo sát sinh viên nhưng số lượng phản hồi không thể đạt 100%. Chưa kể, rất khó để kiểm chứng được phản hồi chính xác không”, ông Sơn nói.
TS Khuyến cũng cho rằng để lấy được kết quả thực cần rất nhiều công sức, sự chỉn chu từ chỗ kết nối, để sinh viên thấy được trách nhiệm của mình dù đã ra trường, đến xây dựng bảng hỏi sao cho hợp lý.
“Do đó, khảo sát việc làm sinh viên nên do một đơn vị độc lập thực hiện để tạo độ khách quan cao hơn”, ông Khuyến nói.
*Tên một số nhân vật được đổi