Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân ngân hàng UOB Việt Nam nhận định thị trường Việt Nam đặc thù, nhiều đối thủ mạnh, cạnh tranh căng thẳng hơn các quốc gia khác.
Để đón đầu cơ hội, sớm chinh phục thị trường và vươn lên vị trí ngân hàng hàng đầu ASEAN, UOB đã có những chiến lược phát triển lâu dài tại khu vực này. Ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân ngân hàng UOB Việt Nam xác định nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng ưu đãi, đầu tư số hóa và cá nhân hóa cho người dùng tại khu vực này là mục tiêu trong tương lai của ngân hàng.
Cơ hội từ sự cạnh tranh cao
– Ông đánh giá thế nào về thị trường ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam và mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng quốc tế với nội địa?
– “Cạnh tranh khốc liệt” là cụm từ tôi nghĩ chính xác nhất khi nói về ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Hiện cả nước có khoảng 49 ngân hàng nội địa lẫn quốc tế.
Lợi thế của các ngân hàng vốn nhà nước là thị phần lớn. Kế đến là các ngân hàng cổ phần thuộc sở hữu tư nhân. Cả hai đều phát triển mạnh và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường những năm gần đây.
Với UOB, Việt Nam là thị trường chiến lược với kế hoạch phát triển lâu dài. Để có thể cạnh tranh với những đối thủ mạnh, chúng tôi luôn xem mình là một ngân hàng nội địa với lợi thế kinh nghiệm lâu năm ở các thị trường quốc tế. Đây là điểm mà các doanh nghiệp trong nước khó có được.
Nhờ đó, chúng tôi có thể sớm thích nghi, xây dựng chiến lược đầu tư kỹ thuật số phù hợp, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho người dùng trong nước. Ngoài ra, vì bản chất vẫn là một ngân hàng quốc tế, UOB đảm bảo mang đến những dịch vụ đạt chuẩn toàn cầu. Các chính sách đào tạo nhân sự và cung cách phục vụ đều được nghiên cứu, chuẩn bị để tối ưu trải nghiệm dịch vụ cho người dùng.
Thương vụ mang tính bước ngoặt
– Vừa qua, UOB đã chính thức hoàn tất mua lại mảng bán lẻ của Citibank tại 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lý do đằng sau thương vụ này là gì?
– UOB vẫn luôn đặc biệt quan tâm và tập trung đầu tư vào hoạt động phát triển kinh doanh tại ASEAN suốt những năm qua. Kể cả lúc chịu ảnh hưởng từ đại dịch, chúng tôi vẫn kiên định với hướng phát triển này.
Có rất nhiều điểm tương đồng giữa UOB và Citibank về phân khúc thị trường, mục tiêu hoạt động, sản phẩm dịch vụ và cơ sở khách hàng… Việc hoàn tất mua lại cũng giúp UOB nhanh chóng mở rộng mạng lưới phủ sóng trong khu vực.
Nhờ thương vụ mua lại, cơ sở khách hàng của UOB tại ASEAN tăng gần gấp đôi chỉ trong 18 tháng với xấp xỉ 7 triệu người dùng. Quy mô doanh nghiệp mở rộng với sự gia nhập của 5.000 nhân sự chuyển giao từ Citibank. Hầu hết đều có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và thấu hiểu thị trường địa phương.
Những thành quả trên được đánh giá tương đương với mức tăng trưởng trong 5 năm của UOB, và chúng tôi đạt được điều đó chỉ thông qua một thương vụ mua lại.
– Cơ sở khách hàng và vị thế của UOB thay đổi thế nào sau thương vụ?
– Tại Việt Nam, UOB ghi nhận tăng gấp đôi số dư cho vay và gấp ba lượng khách ngân hàng bán lẻ. Quy mô hiện tại lớn hơn rất nhiều so với trước đó. Để đáp ứng nhu cầu của lượng khách hàng mới lẫn cũ, chúng tôi mang đến bộ sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh hơn.
Khách hàng hiện tại có thể tận hưởng các sản phẩm như thẻ tín dụng, khoản vay cá nhân, thế chấp, vay mua ôtô, các sản phẩm bảo hiểm và đầu tư chất lượng hơn.
Mới đây, UOB cũng vừa công bố hợp tác cùng UOBAM Việt Nam, mang đến hai sản phẩm đầu tư ESG với chất lượng ổn định, góp phần hạn chế rủi ro cho các khách hàng cao cấp.
Thương vụ mua lại đã góp phần lớn vào kế hoạch phát triển quy mô của UOB tại ASEAN, tạo cơ hội tiếp cận, mang sản phẩm dịch vụ đến nhiều khách hàng mới. Bước ngoặt này sẽ giúp UOB phát triển nhanh hơn, tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba cơ sở khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng có thể sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong khu vực và tại Việt Nam.
Nâng cấp và tối ưu tiện ích
– Ngoài nâng cấp tiện ích, ưu đãi, UOB làm gì để thúc đẩy số hóa mảng bán lẻ?
– Số hóa gần như là cốt lõi trong chiến lược phát triển của UOB và là cách chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng số một ASEAN.
Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào nền tảng công nghệ và giải pháp kỹ thuật số. Gần 500 triệu SGD (hơn 368 triệu USD) đã được UOB đầu tư trên khắp khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam, để xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu, ứng dụng và các giải pháp hỗ trợ thông minh. Mục đích nhằm mang đến dịch vụ chất lượng, trải nghiệm độc đáo và bảo mật tối ưu cho khách hàng.
Chúng tôi dự định sẽ chi nhiều hơn vào xây dựng một hệ thống tích hợp cho việc sáp nhập cũng như ra mắt ứng dụng mới cho UOB. Khách hàng đang tìm kiếm sự thuận tiện, không muốn phải đi đến ngân hàng để thực hiện giao dịch. Nay họ có thể làm điều đó tại tại nhà chỉ bằng những thao tác đơn giản trên ứng dụng. Đó là những gì chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng.
Chiến lược kỹ thuật số của chúng tôi không chỉ dừng lại ở xây dựng một ứng dụng ngân hàng. UOB đang tiến đến cấp độ cao hơn là tập trung tạo ra các trải nghiệm siêu cá nhân hóa. Tất cả lợi ích và ưu đãi cung cấp cho bạn đều được cá nhân hóa để phù hợp với nhu cầu của bạn và dành riêng biệt cho bạn. Đó là cách chúng tôi áp dụng để giành chiến thắng ở thị trường này và hiện thực hóa mục tiêu trở thành số một trong khu vực.
Thy An