Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết khi tiếp khách quốc tế, lãnh đạo nhiều nước hỏi Việt Nam lấy tiền đâu để cải cách tiền lương.
“Họ càng ngạc nhiên hơn khi biết Chính phủ Việt Nam dành ra được 560.000 tỷ đồng – khoảng 23 tỷ USD cho việc tăng lương từ nay đến 2026”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói khi trả lời báo chí về hoạt động của Quốc hội năm 2023.
Ông kể lãnh đạo các nước cho rằng Việt Nam phải dành hết tiền để đầu tư làm đường cao tốc, “nhưng không phải, việc nào ra việc đấy”. Tăng thu ngân sách trung ương phải dành 40% để cải cách tiền lương, 60% còn lại để làm việc khác. Còn ngân sách địa phương chia tỷ lệ 50-50, “không được phép xê dịch”.
“Tất nhiên quá trình xây dựng chính sách cải cách tiền lương cũng vất vả. Chúng tôi phải cân đối rất nhiều thứ, từ đánh giá nguồn lực hiện nay cho đến tác động đến vấn đề vĩ mô, vi mô”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tăng lương là việc người dân thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới và cũng là hình thức đầu tư phát triển cho con người. Theo Chủ tịch Quốc hội, khi người dân không được thụ hưởng thành quả thì ý nghĩa của đổi mới cũng giảm đi, nhất là sau đại dịch Covid-19, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp bị bào mòn.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá tăng lương và đưa mức lương tối thiểu từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng mỗi tháng là một trong những quyết sách nổi bật của Quốc hội năm 2023.
Từ 1/7/2024, cán bộ, công chức trên toàn quốc được trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh. Có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí.
Ông Huệ nhấn mạnh đây không đơn thuần là một đợt tăng lương định kỳ mà là cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Khi cải cách xong, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả theo vị trí việc làm, phù hợp với năng lực, đóng góp của cá nhân và với vai trò của họ, đảm bảo thu nhập không thấp hơn trước.
Điểm đặc biệt của chính sách cải cách lần này là dành ra 10% quỹ lương cho người sử dụng lao động trả khen thưởng, động viên nhân viên. Mức chi khen thưởng này tùy thuộc vào sự cống hiến của từng cá nhân, nên “có người được rất nhiều nhưng cũng có người không được gì”.
Theo ông Huệ, chỉ số tiêu dùng của Việt Nam những năm qua ở mức khá nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Với quyết định tăng lương tối thiểu lên 1,8 triệu đồng, cán bộ, công chức, viên chức đều được thụ hưởng, là hình thức kích cầu tiêu dùng, tạo thêm động lực cho nền kinh tế. Việc tăng lương cũng đảm bảo nguyên tắc người dân phải tham gia vào sự nghiệp đổi mới thì sự nghiệp này mới thành công.
Ông Trần Văn Lâm, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, nói việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7 là quyết sách kịp thời và đúng đắn của Quốc hội, sau hai năm tạm hoãn vì Covid-19.
“Do dịch bệnh, việc cải thiện thu nhập cho người hưởng lương từ ngân sách hàng năm theo tăng trưởng của nền kinh tế và trượt giá của đồng tiền đã phải dừng lại. Như vậy thực tế mức sống, thu nhập của người lao động đều bị giảm”, ông Lâm nói.
Thời điểm này, tình hình dịch bệnh đã ổn định, kinh tế bắt đầu phục hồi, vì vậy lộ trình cải cách tiền lương cần thực hiện trở lại. Thu ngân sách Nhà nước trong năm qua đã ổn định. Năm 2022 vượt rất cao, hơn 400.000 tỷ đồng so với dự toán. “Ngân sách, nền tài chính của Nhà nước vẫn đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu cải cách tiền lương”, ông Lâm khẳng định.
Theo đại biểu, so với lao động hưởng lương ngoài ngân sách được tăng đều đặn, cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua chưa được tăng lương gây chênh lệch lớn. Vì vậy, cải cách tiền lương sẽ cải thiện đời sống người lao động, hỗ trợ kích cầu, tăng chỉ số tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng xác định vị trí việc làm để trả lương là cơ sở quan trọng tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đây là yếu tố then chốt vì nếu không xác định theo vị trí việc làm sẽ khiến bộ máy, quỹ lương phình to, tạo gánh nặng cho nền kinh tế, trong khi hiệu quả công việc không đáp ứng.
Với việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương, Nhà nước sẽ bố trí con người phù hợp, trả lương theo chất lượng, kết quả công việc đảm bảo công bằng, hiệu quả. Người lao động được động viên, khuyến khích làm việc khi được đặt đúng vị trí, được đánh giá đúng công sức cống hiến và nhận thù lao phù hợp.
Nghị quyết 27 Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương chưa được thực hiện.
Vnexpress.net