Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lang thang miền rừng

Hãy một lần như là cơn gió, tự do lướt qua những cung đường vắt vẻo sườn núi. Không chỉ là một chuyến đi, trên cung đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam là lời mời gọi từ đại ngàn hùng vĩ, nơi những ngôi làng nhỏ nép mình bên đồi xanh lặng lẽ kể những câu chuyện của đất trời.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam30/03/2025

0123a0ea6921cc7f9530.jpg
Khâm Đức là một trong những "phố núi" mang lại nhiều trải nghiệm trên cung đường Hồ Chí Minh qua cánh Tây xứ Quảng. Ảnh: KỶ Ý

Từ Khâm Đức sang P’rao

Từ Khâm Đức (Phước Sơn) - phố núi của sắc màu, ngang qua Thạnh Mỹ (Nam Giang) yên bình, đặt chân đến P’rao (Đông Giang) để ngược dòng A Vương mùa lúa rẫy xanh ngút ngàn. Mỗi chặng đường là bức tranh sống động, khơi dậy trong bạn khát khao rũ bỏ ngột ngạt phố thị để tìm về với xanh xa núi rừng.

Thử một lần men theo những cung đường vắt qua sườn núi, tưởng tượng mình như cơn gió đi hoang qua thăm thẳm đại ngàn. Đó không chỉ là một chuyến đi, mà là hành trình để trái tim và đôi mắt được tự do lang thang giữa những điều kỳ diệu của đất trời.

Cung đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam, nơi những dấu chân huyền thoại vẫn còn in dấu giữa núi rừng hùng vĩ, sẽ mở lối cho kẻ lữ hành tìm về với gió, với mây, với những ngôi làng nhỏ nép mình bên sườn đồi.

Đoàn diễu hành trống chiêng đi qua các con phố ở thị trấn Khâm Đức chiều 19/7. Ảnh: C.N
Diễu hành trống chiêng của đồng bào Bhnoong qua thị trấn Khâm Đức nhân lễ hội truyền thống của địa phương vào năm 2024. Ảnh: THÀNH CÔNG

Thị trấn Khâm Đức, nơi từng được mệnh danh “thị trấn giang hồ” của cơn lốc phu vàng chừng hai mươi năm trước, nay đã chộn rộn sắc màu phố thị. Khâm Đức rộn ràng với nhiều cơ sở lưu trú, những hàng quán nhộn nhịp bán mua.

Phố núi vẫn có bản sắc riêng. Thị trấn nới rộng ra theo đà phát triển, nhưng vẫn có những khoảng không thoáng đãng với hồ Mùa Thu cùng màu xanh thẫm nơi núi Xuân Mãi, với thứ hương rừng mà chỉ cần vượt thoát chừng vài cây số khỏi trung tâm đã có thể hít căng lồng ngực...

Những đứa trẻ Bhnoong ở các ngôi làng ven phố, dù khuôn mặt đôi khi lem luốc màu đất, nhưng đôi mắt sáng và cái cười luôn giòn tan khi thấy xe lướt qua...

Từ Khâm Đức, phóng xe về hướng Thạnh Mỹ, lữ khách có dịp ghé thăm làng Rô, với những mái nhà nhỏ xinh xắn bảng lảng khói lam chiều. Thạnh Mỹ cũng là chốn dừng chân lý tưởng để thưởng thức ẩm thực vùng cao, cùng những món ăn đặc sản của người Cơ Tu, người Giẻ Triêng bản địa. Nếu đúng dịp, còn được dự phần vào lễ hội cồng chiêng đều đặn tổ chức hàng năm, say đắm với vũ điệu hân hoan của đất trời qua gót chân nhịp nhàng thiếu nữ...

Các thiếu nữ vùng cao rạng rỡ trong trang phục truyền thống. Ảnh: C.N
Các thiếu nữ vùng cao Nam Giang rạng rỡ trong trang phục truyền thống tại đêm hội Cồng chiêng. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Cung đường Hồ Chí Minh mở ra khoảng trời tiếp nối trên hành trình từ Thạnh Mỹ sang P’rao, một vùng đất mà cái tên đã gợi lên đôi điều bí ẩn.

P’rao hiện lên với những triền đồi lau trắng bạt ngàn. Xen giữa vạt lau là những ngôi làng nhỏ của người Cơ Tu, đôi mái nhà sàn thấp thoáng. Tôi có dịp dừng xe bên đường, ngắm nhìn một bà cụ ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm, đôi tay thoăn thoắt như kể lại câu chuyện của núi rừng qua từng sợi vải. Lũ trẻ trong làng chạy nhảy quanh gốc cây lớn, tiếng cười trong veo vang vọng, hòa cùng tiếng suối mát lành từ đầu nguồn chảy tuôn nơi đầu làng...

Ngược dòng A Vương

Ngược lên A Vương, tôi như lạc vào một thế giới khác, nơi những rẫy lúa xanh mơn mởn trải dài bất tận, ôm lấy những ngôi làng nhỏ nằm chênh vênh. A Vương mùa lúa mới đẹp như bức tranh thủy mặc. Giữa màu xanh ngút ngàn của lúa, thi thoảng mọc lên mái duông lợp lá cọ xám bạc.

Tôi bắt gặp những người phụ nữ Cơ Tu đeo gùi bên suối, nụ cười hiền hậu ánh lên trong đôi mắt. Ngôi làng ở A Vương không chỉ đẹp bởi cảnh sắc, mà còn bởi cuộc sống vẫn còn giữ nguyên nét thanh bình ban sơ. Tiếng cồng chiêng từ một ngôi nhà gươl của Bhalêê, như lời mời lữ khách dừng chân nghỉ lại, thưởng thức một bữa cơm lam thơm lừng bên bếp lửa, nhấp ngụm rượu cần cay nồng trong cái se lạnh của vùng cao.

441a0121.jpg
Thiếu nữ Bhnoong lên rẫy. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Lang thang dọc cung đường Hồ Chí Minh cũng là một trải nghiệm khó quên trong hành trình ngược núi. Những khúc quanh co đầy thử thách, rồi đột ngột mở ra cả khoảng đất trời mênh mông trước mắt.

Tôi đổ một con dốc dài hàng cây số, nghe gió và hương rừng ùa theo tay lái. Qua từng khúc ngoặt, may mắn gặp cả biển mây trắng lửng lơ, như nấc thang dẫn lối lên cổng trời. Đứng trên đỉnh đèo, tôi tự hỏi mình đã bao lâu rồi không nhận ra đâu là cao, đâu là xa; bao lâu rồi chưa một lần thoát khỏi những ngột ngạt của phố thị...

Hành trình qua những ngôi làng dọc đường Hồ Chí Minh không chỉ là một cuộc đi, mà là một chuyến trở về. Trở về với đại ngàn, với những chiều ráng đỏ phía tây, khi tiếng nai tác vọng vào vách núi, khi điệu đàn abel ngân lên trong câu hát lý của già làng.

Cung đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam không chỉ là một hành trình khám phá, mà còn là mời gọi từ miền xanh xa. Phía Tây vẫn luôn có rất nhiều lạ lẫm, vẫn sẽ không ngừng vẫy gọi, thôi thúc những bước chân phiêu lưu, thỏa khao khát chinh phục. Đi, đến thấy, để nghe và để lắng lòng với đất trời, với con người của vùng cao luôn hồn hậu, mến khách, chân tình...

Nguồn: https://baoquangnam.vn/lang-thang-mien-rung-3151754.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm