
Nhiều tháng nay, nhà văn hóa khu phố 1, thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) đã trở thành điểm đến quen thuộc của các chị em Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ khuyết tật Thăng Bình.
Họ đến để được nghe tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật, các chính sách dành cho người khuyết tật. Đồng thời các thành viên tự tin trình bày ý kiến, quan điểm của mình về những khó khăn phát sinh trong cuộc sống của người khuyết tật cần được tháo gỡ.
Chị Ngô Thị Lượm ở xã Bình Phú (thành viên CLB) cho biết, do di chứng chiến tranh, từ nhỏ chị đã bị khuyết tật ở chân, vận động khó khăn nên thường tự ti, mặc cảm.
Trước đây, ngoài ngôi nhà nhỏ và không gian vườn quanh nhà, chị ít ra ngoài giao lưu. Hơn một năm nay, được vận động vào CLB, hằng tháng chị đều tham gia sinh hoạt.

Những thông tin được nghe giúp chị thay đổi cách nhìn về cuộc sống; chị cũng được hướng dẫn học nghề làm hoa nghệ thuật và dây cột tóc. Với thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng hiện tại đã giúp chị cải thiện điều kiện sống của gia đình.
“Tham gia CLB, được gặp gỡ giao lưu với những người cùng cảnh ngộ giúp tôi mạnh dạn, tự tin hơn, đặc biệt tôi còn có thu nhập từ làm hoa nghệ thuật” - chị Lượm chia sẻ.
Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số thuộc Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (viết tắt là ACDC) triển khai Dự án hòa nhập 1 “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Tháng 7/2023, ACDC phối hợp huyện Thăng Bình thành lập và ra mắt CLB Phụ nữ khuyết tật với 30 thành viên. Hiện CLB có 40 phụ nữ khuyết tật thuộc 18 xã, thị trấn.
Chị Phan Thị Thúy - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Tham gia mỗi buổi sinh hoạt, hội viên được ACDC tạo điều kiện kinh phí đi lại, tiền ăn giữa buổi và nhiều chi phí có liên quan khác.

Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ CLB thành lập 1 tổ làm hoa nghệ thuật và dây cột tóc, làm ra 13 loại sản phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 chị em, tạo thu nhập ổn định 2,5 triệu đồng/người/tháng; giúp 11 hội viên (mỗi trường hợp 50 triệu đồng) phát triển sinh kế bền vững như mua xe nước mía, mở quán ăn và buôn bán nhỏ tại nhà.
Dự án hòa nhập 1 Trung tâm ACDC hỗ trợ cùng địa phương nâng cao nhận thức, đời sống người khuyết tật, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều phụ nữ khiếm khuyết tự tin hòa nhập cộng đồng”.
Thăng Bình hiện có hơn 9.000 người khuyết tật, trong đó 5.471 người thuộc diện khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, riêng phụ nữ khuyết tật có 676 người. Năm 2024, huyện đã thực hiện chi trợ cấp xã hội hàng tháng, trợ cấp đột xuất… cho người khuyết tật với tổng kinh phí hơn 63 tỷ đồng.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/mai-nha-chung-cua-phu-nu-khuyet-tat-huyen-thang-binh-3151843.html
Bình luận (0)