Vùng đất Vũ Thư của tỉnh Thái Bình xưa nay nổi tiếng với rất nhiều làng nghề truyền thống, trong đó không thể không nhắc đến làng nghề ươm tơ Hồng Lý, một nơi gắn liền với nghề nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa nức tiếng một thời. Hồng lý là một trong những làng nghề hiếm hoi vẫn giữ được những tinh hoa của nghề ươm tơ truyền thống và dù trải qua dâu bể của thời cuộc thì nơi đây vẫn còn có những con người vẫn ngày đêm gìn giữ và phát triển nghề truyền thống có từ bao đời của cha ông.
Ở những thời kỳ hoàng kim của nghề ươm, dệt tơ tằm, xã Hồng Lý, Hồng Xuân có đến hàng trăm hecta trồng dâu, thu hút hàng nghìn hộ gia đình của hai HTX Hồng Xuân và Tam Tỉnh tham gia sản xuất. Gắn với trồng dâu, nuôi tằm, cứ 2 – 3 hộ gia đình thường hình thành một tổ ươm tơ, tự quay tơ sau khi sản xuất kén, vì thế làng nghề lúc nào cũng nhộn nhịp, cánh đồng dâu luôn xanh tốt và bếp than ươm tơ lúc nào cũng đỏ lửa.
Công việc ươm tơ có rất nhiều công đoạn, và rất vất vả. Khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải canh nắng nhẹ sao cho kén khô, thơm, để khi ươm tơ kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng. Kết quả những sợi tơ dệt nên đều vàng ươm, cứng và chắc chắn.
Hãy cùng tác giả Lê Ngọc Huy qua bộ ảnh Làng nghề Ươm tơ Hồng Lý, cùng trải nghiệm, ngắm nhìn những sợi tơ vàng óng ả dưới cái nắng vàng như rót mật, tận mắt xem tận mắt quy trình ươm kén lấy tơ là trải nghiệm khó quên với bất kỳ ai khi đến với làng nghề Hồng Lý ở Thái Bình.
Cuộc thi ảnh trên trang web Vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên, nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Đồng thời giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc qua góc nhìn chân thực, sống động, khách quan của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong nước và bạn bè quốc tế.
Trị giá giải thưởng:
2 giải nhất mỗi giải 100.000.000đ
2 giải nhì mỗi giải 30.000.000đ
2 giải ba mỗi giải 20.000.000đ
10 giải khuyến khích mỗi giải 5.000.000đ
2 giải cho tác phẩm có số lượng bình chọn nhiều nhất mỗi giải 10.000.000đ
2 giải cho tác phẩm có số lượng chia sẻ nhiều nhất mỗi giải 10.000.000đ./.
Bích Hường