"Làng chài miền Tây" trên cao nguyên

Người Lao ĐộngNgười Lao Động06/02/2025

Lòng hồ thủy điện Sê San diện tích khoảng 56 km2, nằm giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.


Từ hàng chục năm qua, nơi đây có ngôi làng nổi, chủ yếu là các hộ dân từ các tỉnh miền Tây tìm đến đánh bắt, nuôi cá mưu sinh tạo thành làng chài giữa lòng hồ.

Theo những người dân nơi đây, từ khoảng 15 năm trước, có 7 hộ dân từ các tỉnh miền Tây tìm đến khu vực lòng hồ thủy điện Sê San dựng nhà lồng, sống lênh đênh trên mặt nước để đánh bắt, nuôi cá. Thấy dễ kiếm sống, họ thông tin để người thân từ quê tìm tới, sinh sống và đánh bắt cá cùng. Cứ thế, tạo nên một làng nổi trên lòng hồ. Tuy vậy, họ không thể đăng ký tạm trú và cuộc sống vẫn bấp bênh như chiếc thuyền của họ trên lòng hồ.

Bước ngoặt đến vào năm 2015, tỉnh Kon Tum đã dang tay đón nhận, cấp đất tại thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai và hỗ trợ tiền để các hộ dân lên bờ làm nhà, đăng ký thường trú, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Duy Khanh (46 tuổi) bảo rằng từ năm 2009 đã đưa vợ và 2 con nhỏ tới khu vực lòng hồ thủy điện Sê San mưu sinh. Không đăng ký tạm trú được nên các con đi học khó khăn, đã có lúc ông muốn bỏ về quê cũ tại Đồng Tháp nhưng sau đó may mắn được chính quyền cấp đất, tạo điều kiện để định cư lâu dài nên cuộc sống ngày càng ổn định. Đến nay, ông Khanh đã xem vùng đất biên giới này là quê hương thứ 2, không còn ý định về lại quê cũ nữa.

"Khi lên đây thấy cuộc sống bình yên, cá tôm nhiều nên dễ kiếm sống hơn. Hiện nay hằng ngày, hai vợ chồng đánh bắt, nuôi cá lồng và phục vụ khách du lịch cũng cho thu nhập tốt" - ông Khanh vui vẻ nói.

Làng chài với 29 hộ dân trên lòng hồ thủy điện Sê San

Làng chài với 29 hộ dân trên lòng hồ thủy điện Sê San

Còn ông Nguyễn Tuấn Vũ cho biết 8 năm trước, khi đến đây chỉ nghĩ rằng để mưu sinh, có tiền sẽ về lại quê An Giang. Thế nhưng sau đó được chính quyền địa phương cấp đất, làm nhà và cuộc sống có thu nhập tốt từ đánh bắt, nuôi cá nên xác định sẽ gắn bó lâu dài tại đây.

Ông Nguyễn Thành Nhân (42 tuổi, quê An Giang) cho biết đã ở khu vực lòng hồ 13 năm, đã xem đây là quê hương thứ 2. Tết đến, đôi lúc cũng nhớ không khí ở quê cũ nhưng nhờ anh em, chòm xóm đùm bọc, sẻ chia nên nỗi nhớ quê cũng nguôi ngoai. "Ngày Tết chúng tôi cũng gói bánh chưng, bánh tét, mua kẹo mứt. Chúng tôi đi quanh xóm chúc Tết, chúc cho nhau có năm mới khỏe mạnh, vạn sự như ý, đãi nhau những món ăn ngon và kể cho nhau những câu chuyện về quê hương" - ông Nhân nói.

Ông Lê Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, cho biết làng chài có 29 hộ, 103 nhân khẩu thì tất cả đều đã ổn định cuộc sống, thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2018, UBND xã đã vận động các hộ làng chài thành lập Hợp tác xã Sê San với các sản phẩm chủ yếu từ cá. Hằng năm, hợp tác xã xuất bán ra thị trường khoảng 80 tấn sản phẩm đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên.

Hiện nay ngoài đánh bắt, nuôi cá thì người dân làng chài còn phục vụ đưa đón khách tham quan lòng hồ, thác Mơ và phục vụ ẩm thực. Khi về, đa số du khách đều mua các loại đặc sản như bánh tráng cá cơm, khô cá lóc, khô cá rô... làm quà. Từ đó giúp người dân có thu nhập tốt hơn.



Nguồn: https://nld.com.vn/lang-chai-mien-tay-tren-cao-nguyen-196250205192036859.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available