Dự kiến Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ

Người Lao ĐộngNgười Lao Động06/02/2025

Chính phủ đề xuất không tổ chức HĐND cho các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh...


Ngày 5-2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã khai mạc phiên họp thứ 42.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ

Tại phiên họp này, UBTVQH xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng sẽ được trình tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của QH dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 18-2.

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp này, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên UBTVQH, bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ và đóng góp ý kiến với các vấn đề lớn, nội dung còn băn khoăn trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết. "Tinh thần cần bắt tay vào công việc ngay sau khi sắp xếp bộ máy, không để ngưng trệ, ách tắc, không phân tâm" - Chủ tịch QH yêu cầu.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, dự án luật hướng đến việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Việc này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo, phát triển.

Dự kiến Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực cơ quan thẩm tra tán thành tinh thần phân cấp nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để "tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ".

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm khi sửa Luật Tổ chức Chính phủ, QH sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để Chính phủ chủ động trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vì sự phát triển của đất nước.

Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH về cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV. Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức mới gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 4 bộ và 1 cơ quan ngang bộ. Các bộ theo đề xuất gồm: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Dân tộc và Tôn giáo. Ba cơ quan ngang bộ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. UBTVQH tán thành phương án cơ cấu tổ chức và cơ cấu số lượng thành viên của Chính phủ theo tờ trình. Tuy nhiên, một số thành viên đề nghị có thời gian chuyển tiếp kể từ khi nghị quyết này có hiệu lực để các bộ, cơ quan ngang bộ sau sắp xếp có thời gian chuẩn bị.

Đề xuất bỏ HĐND cấp xã thuộc đô thị

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ đề xuất mở rộng việc áp dụng không tổ chức HĐND cho các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, tại quận, phường, xã thuộc đô thị (gồm thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.

Về việc mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo luật là phù hợp. Có ý kiến đề nghị cần lý giải cặn kẽ, có tính thuyết phục hơn việc mở rộng này bởi đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các thiết chế về dân chủ ở địa phương.

Về tổ chức và hoạt động của UBND, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định thống nhất theo hướng cả nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương và nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương thì UBND đều được tổ chức theo mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương làm việc theo chế độ thủ trưởng.

Lý giải rõ hơn về việc UBND đều được tổ chức theo mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương làm việc theo chế độ thủ trưởng, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết chủ tịch, phó chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đơn vị trực thuộc (đối với cấp tỉnh, cấp huyện) hoặc công chức ở cấp xã sẽ là bộ phận hợp thành cơ cấu của UBND ở từng cấp.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, việc không duy trì các chức danh ủy viên UBND đồng thời là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND cũng giúp cho việc phân tách nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng hơn của người đứng đầu các cơ quan này trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và của cơ quan chuyên môn. Quy định như vậy sẽ tạo sự thống nhất về tổ chức, hoạt động của UBND ở tất cả đơn vị hành chính trên cả nước, kể cả nơi có tổ chức HĐND và nơi không tổ chức HĐND; phù hợp với yêu cầu cải cách, đổi mới một cách mạnh mẽ tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng thực hiện như đề xuất trên "là một cuộc cách mạng", tạo sự thống nhất trong cả nước về mô hình UBND. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên cần rà soát tính phù hợp với Hiến Pháp, thống nhất ý kiến giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, sau đó xin ý kiến của Bộ Chính trị.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). 



Nguồn: https://nld.com.vn/du-kien-chinh-phu-con-14-bo-3-co-quan-ngang-bo-196250205215044371.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available