Quảng NamHơn 15 hộ dân xã Bình Hải, huyện Thăng Bình hành nghề câu kiều bắt cá, khi có người đuối nước thì thả câu tìm kiếm thi thể miễn phí.
Ngày cuối tháng 5, ông Hồ Văn Chương, 67 tuổi, trú thôn An Trân, xã Bình Hải đem 10 nẹp câu ra sửa chữa. Từng lưỡi câu được ông mài sắc rồi cho vào nẹp tre gọn gàng.
Câu kiều hay còn gọi là câu vương, thả lưỡi xuống nước nhưng không gắn mồi. Lưỡi câu làm bằng inox uốn cong, không bị rỉ rét khi ngâm trong nước biển. Dây câu bỏ vào ống tre nẹp lại chắc chắn, gọi là nẹp câu.
Mỗi dây câu dài 45 m, cứ 25 cm buộc một lưỡi. Phao được gắn trên sợi dây dài, thả xuống sẽ nổi cách đáy biển 20-30 cm. Cá bơi qua gặp chướng ngại vật sẽ quay đầu hoặc quẫy đuôi và mắc vào lưỡi câu. Nghề này bắt chủ yếu cá đuối.
Nghề câu kiều được du nhập về thôn An Trân giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Cả làng có hơn 45 hộ dân hành nghề, trở thành làng câu cá không cần mồi nổi tiếng ở Quảng Nam. “Nghề này giúp ngư dân xây được nhà cửa, nuôi con cái ăn học”, ông Chương nói.
Đặc biệt, làng câu kiều còn giúp đỡ nhiều gia đình có người đuối nước. Gần 40 năm hành nghề, ông Chương ba lần thả câu tìm người đuối nước trên biển. Nạn nhân là người thân và cả người xa lạ. Họ tử nạn khi khai thác hải sản gần bờ.
Ông mang từng nẹp câu đến xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên xuống, chảy về rồi buông câ. Một đầu dây câu cố định trong bờ, sau đó ông cùng ngư dân khác chèo thuyền ra khu vực người gặp nạn. Mỗi dây câu dài 45 m được gắn 110 lưỡi thả xuống tạo thành hàng dài nằm sát đáy biển.
Quá trình kéo phải chậm, gặp thi thể lưỡi câu sẽ mắc vào quần áo. Nạn nhân đuối nước mới tử vong còn chìm dưới đáy, không trôi xa thì thả câu kiều hầu hết vớt được. Nếu đuối nước hơn 3 ngày, thi thể nổi lên, thả câu xuống ít trúng, ông Chương cho biết.
Khi phát hiện xác, chủ lưỡi câu báo cho người thân chứ không đụng vào. Lưỡi câu kiều dùng vớt xác xong thì hủy bỏ. Mất tiền mua câu song ông Chương không đòi hỏi gì. “Không phải tôi mà tất cả dân làng ai cũng vậy. Chúng tôi giúp đỡ nhằm chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân”, ông nói và cho hay mỗi lần vớt xác xong thì vứt khoảng bốn dây câu. Mỗi dây câu kiều trị giá 160.000 đồng.
Cách nhà ông Chương 200 m, ông Trần Văn Bình hơn 35 năm thả câu kiều, kiêm sản xuất lưỡi. Nghề này giúp ông nuôi hai con ăn học đại học và giúp nhiều người tìm được thi thể khi bị chết đuối.
Người thân của nhiều nạn nhân vẫn tìm đến nhà ông nhờ vớt xác, ông cho câu kiều rồi hướng dẫn sử dụng mà không lấy tiền. Có gia đình tìm được thi thể sau đó đến cảm ơn. “Họ đưa một ít tiền nhưng tôi không nhận. Trong lúc họ hoạn nạn, mình giúp được gì thì sẵn sàng chứ không đòi hỏi”, ngư dân 63 tuổi nói.
Theo ông Trần Văn Nam, Bí thư thôn An Trân, trước đây thôn có 45 hộ hành nghề nhưng nay còn hơn 15 hộ duy trì thả câu kiều. Mỗi khi Quảng Nam xảy ra đuối nước, chính quyền, đồn biên phòng lại huy động ngư dân làm nghề giúp đỡ.
“Việc thả câu kiều vớt xác rất hiệu quả, nhất là tai nạn mới xảy ra. Ngư dân bỏ công sức, tiền của mong tìm thấy thi thể để chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân”, ông Trân nói.