Thời gian qua, Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động, triển khai các sáng kiến kinh nghiệm, đạt hiệu quả cao trong hoạt động hội và cung cấp thông tin báo chí, nghiệp vụ làm báo cho người làm báo và thông tin báo chí cho cộng đồng.
Giữ mối liên hệ giữa cơ quan thường trực với các Chi hội
Hiện nay, Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang có 10 tổ chức Hội cơ sở và 01 câu lạc bộ trực thuộc với tổng số 215 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và 56 thành viên CLB Ảnh báo chí thuộc Hội Nhà báo tỉnh. Với vai trò là ngôi nhà chung của hội viên và người làm báo trên địa bàn, trong thời gian qua Hội Nhà báo tỉnh có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Hội đã có nhiều hoạt động nhằm phục vụ tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nhà báo, phóng viên về nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và trong tác nghiệp của người làm báo trên địa bàn.
Đặc biệt, Hội Nhà báo tỉnh đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động, triển khai các sáng kiến kinh nghiệm, đạt hiệu quả cao trong hoạt động hội và cung cấp thông tin báo chí, nghiệp vụ làm báo cho người làm báo và thông tin báo chí cho cộng đồng. Nhà báo Đoàn Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2021, Hội thực hiện đề tài “Ứng dụng mạng xã hội Zalo, trao đổi thông tin trong toàn hệ thống Hội Nhà báo tỉnh và gắn kết với các cơ quan báo chí trong tỉnh”. Đến năm 2022 là đề tài “Xây dựng và vận hành Trang tin điện tử chuyển đổi số và tài khoản mạng xã hội cung cấp thông tin, nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo và cộng đồng”. Năm 2023, thực hiện đề tài “Ứng dụng nhiều nền tảng công nghệ số trên không gian mạng phục vụ công tác điều hành và cung cấp thông tin cho hội viên… góp phần đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi số tại địa phương”… Tất cả được triển khai nhằm phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành cũng như hỗ trợ hội viên, nhà báo một cách nhanh chóng kịp thời.
“Đây là hoạt động nghiêm túc, cần phải được thực hiện một cách bài bản và khoa học vì thế Ban Thường vụ Hội Nhà báo tỉnh đã ban hành Quy chế ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện hiệu quả công việc quản lý, điều hành qua mạng xã hội, phục vụ thiết thực nhiệm vụ trong năm, góp phần thực hiện tốt nghị quyết Đại hội VII của Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang. Hội đã thành lập 6 nhóm Zalo nội bộ để phục vụ công tác trao đổi thông tin về hoạt động hội, như nhóm Ban Chấp hành, nhóm thư ký, nhóm Ban Kiểm tra, nhóm Hội Nhà báo với các Đài truyền thanh các huyện, thành phố, nhờ đó mọi thông tin chỉ đạo điều hành đều được thống nhất và kịp thời. Ngoài ra, ở cơ sở, mỗi Chi hội hoặc câu lạc bộ đều thiết lập nhóm zalo riêng, để trao đổi thông tin trong nội bộ Chi hội với 12 nhóm” – ông Đoàn Hồng Phúc cho hay.
Từ năm 2021 đến nay, các nhóm Zalo đã phát huy tác dụng, phục vụ thiết thực yêu cầu công tác thường xuyên của cơ quan thường trực hội. Giữ mối liên hệ giữa cơ quan thường trực với các Chi hội trực thuộc và Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố được thường xuyên, liên tục, trao đổi thông tin một cách đầy đủ, chính xác. Những công việc đột xuất cũng đảm bảo được thông tin, xử lý nhanh chóng. Việc trao đổi thảo luận được thực hiện và có sự phản hồi nhanh từ các lãnh đạo đơn vị trực thuộc. Riêng trong năm 2021, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh và 18 nhóm Zalo của các đơn vị trực thuộc đưa lên nhóm 410 thông tin, văn bản chỉ đạo, điều hành, thư mời họp, những thông tin mới về hoạt động hội, kịp thời hỗ trợ tài liệu, văn bản giúp hội viên, nhà báo, phóng viên tác nghiệp… ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo tỉnh cũng mở các lớp bồi dưỡng viết bài hướng dẫn, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên, phóng viên về cách nhận biết tin giả, tin sai, tin độc hại, tin phản động, thù địch và kỹ năng kiểm chứng nguồn tin, xử lý thông tin… Chú trọng cách đăng bài, viết bài trên mạng xã hội để phản bác các quan điểm sai trái thù địch phát tán tràn lan, tin giả dày đặc trên mạng xã hội.
Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số trong hoạt động Hội
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang cũng cho biết: “Tiếp tục phát huy kết quả của năm trước, năm 2023 chúng tôi tiếp tục đăng ký và thực hiện thành công đề tài “Xây dựng và vận hành Trang tin điện tử chuyển đổi số Zalo Official Account và tài khoản mạng xã hội cung cấp thông tin, nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo và cộng đồng. Hội Nhà báo tỉnh nhận thấy Zalo Official Account không chỉ là nền tảng công nghệ cung cấp giải pháp hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử mà nền tảng này còn là kênh thông tin gắn liền với các hoạt động đời sống xã hội của người dân nên tôi đề xuất thiết lập trang thông tin này để phục vụ nhu cầu nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên, nhà báo, phóng viên và cả cộng đồng trên không gian mạng”.
Được biết, Trang tin điện tử trên nền tảng chuyển đổi số quốc gia đã được cấp giấy phép hoạt động từ tháng 2/2022 với tên gọi chính thức là “Người Làm báo Kiên Giang”, trang tin được cập nhật thông tin đầu tiên vào ngày 3/3/2022. Nội dung chủ yếu của trang tin này là thường xuyên thông tin hoạt động trong hệ thống Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh, các thông tin về hoạt động truyền thông – báo chí, kỹ năng nghề báo… Để thu hút sự quan tâm, chú ý để truyền thông rộng rãi hơn, Hội Nhà báo tỉnh còn thiết lập tài khoản Facebook và tận dụng nền tảng có lượng người dùng lớn nhất để chia sẻ thông tin từ Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam các trang báo điện tử của Đảng và Nhà nước và địa phương để kịp thời cung cấp cho các cộng đồng và người làm báo.
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc cho biết, để phát huy hiệu quả của việc ứng dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trong thời gian tới Hội Nhà báo tỉnh đang xin chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thiết lập Trang thông tin điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành hoạt động. Ngoài ra, việc chuyển tải thông tin, văn bản điều hành, chỉ đạo từ cơ quan thường trực đến các cơ sở hội, hội viên, nhà báo, phóng viên đều được sử dụng mã QR. Người dùng dễ tiếp nhận thông tin, văn bản nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm đáng kể giấy, mực như trước đây. Các ấn phẩm báo chí, đặc san của Hội Nhà báo tỉnh và các ấn phẩm tham gia Hội báo Xuân đều được cung cấp mã QR cho bạn đọc xem trên không gian mạng một cách tiện lợi, dễ dàng.
“Hằng năm Hội Nhà báo tỉnh sẽ đăng ký một đến hai sáng kiến, mô hình thi đua, ứng dụng trên không gian mạng. Trước mắt là mô hình thiết kế các Infographics về lời dạy của Bác Hồ, làm tài liệu để cung cấp cho hội viên, phóng viên, nhà báo học Bác Hồ làm báo chuyên nghiệp. Hội Nhà báo tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ có đến 90% văn bản, biểu mẫu, đặc biệt là việc tổ chức các giải báo chí đều được thiết lập bằng mã QR” – nhà báo Đoàn Hồng Phúc chia sẻ thêm.
Vũ Phong