Trong những năm qua, Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên có những hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí thuộc các loại hình báo in, báo phát thanh, báo truyền hình và báo điện tử…do các nhà báo có nhiều kinh nghiệm tại các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực quốc gia, như: Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.
Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Đoàn Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, trước hết phải đổi mới phương pháp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Mỗi lần mở lớp, Hội Nhà báo tỉnh thống nhất với giảng viên và lãnh đạo các cơ quan báo chí chọn chuyên đề gì cho phù hợp với xu thế phát triển, đặc biệt là dành 2/3 thời lượng tập huấn nghiệp vụ báo chí cho các hoạt động trải nghiệm thực tế, làm bài tập thực hành, khi kết thúc khoá học nhất định phải có sản phẩm thực hành”.
Theo đó, từ nhiệm kỳ khoá VII (2020-2025) đến nay, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hoặc phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 16 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, hơn 750 lượt hội viên, phóng viên, nhà báo trong tỉnh và ngoài tỉnh tham gia học về kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí thuộc tất cả các loại hình báo chí. Các lớp tập huấn đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí chất lượng cao, trong đó kỹ năng là chủ yếu, góp phần phục vụ thiết thực lộ trình chuyển đổi số báo chí theo chủ trương của Đảng, nhà nước và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kiên Giang.
Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, lãnh đạo Ban Biên tập Báo Kiên Giang, và các hội viên, phóng viên, biên tập viên cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng và giải pháp tổ chức sáng tạo tác phẩm dự các giải báo chí; vai trò của Chi hội Nhà báo đối với việc tham mưu cho lãnh đạo cơ quan báo chí trong sáng tạo tác phẩm dự giải; sự lựa chọn đề tài và vấn đề đặt ra tại chi hội và cơ quan báo chí; chế độ, chính sách của cơ quan báo chí đối với tác giả/nhóm tác giả thực hiện đề tài dự giải báo chí.
Những bất cập trong việc tổ chức sáng tạo tác phẩm dự giải báo chí thời gian qua và định hướng đổi mới việc tổ chức giải báo chí cấp tỉnh, giải báo chí Quốc gia, giải búa liềm vàng, các cuộc liên hoan phát thanh, truyền hình; sự phối hợp với các tổ chức, các địa phương trong việc sáng tạo tác phẩm báo chí tại cơ sở…
Nhà báo Võ Hoàng Đương – Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Kiên Giang, và Nhà báo Đỗ Quốc Bửu – Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, đánh giá cao việc tổ chức buổi tọa đàm này và cho rằng hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí cũng như sản phẩm báo chí trong thời đại công nghệ số. Các lãnh đạo báo, đài cũng cho biết những đổi mới, định hướng lớn trong quá trình thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng báo in, báo điện tử, báo phát thanh, báo truyền hình hiện nay và trong thời gian tới.
Với kinh nghiệm của người từng đạt giải báo chí về Xây dựng Đảng (Búa liềm vàng), Giải Báo chí Quốc gia, Giải báo chí tỉnh Kiên Giang…, Nhà báo Lê Tây Hồ – Phó Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Kiên Giang, chia sẻ những kỷ niệm và khó khăn trong việc sáng tạo tác phẩm dự thi, đặc biệt là những bài điều tra, đề tài viết về xây dựng Đảng…, đồng thời mong muốn được Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí tạo điều kiện tốt nhất để phóng viên sáng tạo tác phẩm báo chí đảm bảo chất lượng cao. Nhà báo Lê Tây Hồ đề nghị, trong cơ cấu giải thưởng Cuộc thi nghiệp vụ báo chí của tỉnh, Ban Tổ chức Giải cần tiếp nhận để xem xét, trao giải đối với các sản phẩm, tác phẩm video media trên báo điện tử, nhằm khuyến khích người làm báo nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí trên đa nền tảng, đặc biệt là nền tảng số.
Nhà báo Đinh Văn Mạnh, nhà báo Huỳnh Thị Diệu Hằng và nhà báo Đoàn Thị Phụng (Hội viên Chi hội nhà báo Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang), là những nhà báo từng đạt nhiều giải báo chí tại Liên hoan phát thanh toàn quốc, Giải báo chí tỉnh Kiên Giang, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc sản xuất, sáng tạo tác phẩm báo chí thuộc các loại hình phát thanh, truyền hình để tham gia các giải báo chí Trung ương và địa phương.
Nhà báo Huỳnh Thị Diệu Hằng, cho rằng, do đặc thù của báo phát thanh, báo truyền hình là sản phẩm của tập thể, làm việc theo nhóm, nhưng khi tác phẩm đạt giải thì không được ghi tên đầy đủ trong giấy chứng nhận, bằng khen, giấy khen, nhất là tên người dựng, người đọc, đề nghị Ban Tổ chức các giải báo chí tỉnh cần quan tâm, đổi mới về phản ánh này.
Anh Phạm Quang Nhớ – Giám đốc Trung tâm VHTT và TT huyện Giang Thành, Ủy viên Ban Thư ký Chi hội Nhà báo Cụm Tứ giác Long Xuyên cảm nhận sự quan tâm của lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí trong tỉnh thời gian qua, nhất là tạo điều kiện cho cán bộ, phóng viên các huyện, thành phố, trong đó có Giang Thành được tham gia tập huấn, sáng tạo tác phẩm báo chí theo xu hướng hiện đại. Anh Phạm Quang Nhớ, đề nghị Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí trong tỉnh cần tạo điều kiện cho phóng viên các trung tâm được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam, để anh, chị em làm báo ở huyện có nhiều cơ hội tham gia tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền trên sóng truyền thanh cấp huyện, và đưa tác phẩm báo chí tuyên truyền trên báo, đài địa phương.
Kết thúc buổi toạ đàm, Nhà báo Đoàn Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo cơ quan truyền thông, báo chí…thời gian qua đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh và hoạt động tác nghiệp của hội viên, phóng viên, nhà báo. Đồng thời, tiếp thu, giải trình một số ý kiến đề xuất của các cơ quan báo chí và các phóng viên, nhà báo.
Sau buổi tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức bế giảng và trao chứng nhận cho 42 học viên Lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí với chuyên đề “Kỹ năng sáng tạo phóng sự truyền hình nâng cao” do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức. Trong thời gian 2 ngày trước đó, các hội viên, phóng viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí, Trung tâm VHTT và TT các huyện, thành phố, các lực lượng vũ trang trong tỉnh được tiếp thu các nội dung, như: phóng sự ngắn trong các chương trình bản tin, kỹ năng gia công phóng sự ngắn để tạo tính thời sự, hấp dẫn, “sống” với hơi thở xã hội; kỹ năng dẫn hiện trường trong phóng sự ngắn; sản xuất phóng sự ngắn bằng điện thoại di động và thực hiện bài tập theo nhóm…
Nguồn: https://www.congluan.vn/doi-moi-phuong-phap-boi-duong-nghiep-vu-va-sang-tao-tac-pham-bao-chi-hien-dai-tai-kien-giang-post307363.html