Hà NộiThu Hường bước vào phòng xác ở tầng hai Viện Giải phẫu, chợt dừng lại, mùi formal lộng qua khẩu trang xộc vào mũi khiến cô buồn nôn, khó thở.
Lớp của Hoàng Thu Hường, 40 sinh viên năm hai Đại học Y Hà Nội, học buổi đầu tiên bộ môn Giải phẫu trên thi thể người. Đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc với xác đang được bảo quản tại Viện Giải phẫu.
Căn phòng rộng chừng 100 m2, sực mùi formol – loại hóa chất để bảo quản thi thể. Tại đây có 6 hòm đang ngâm thi thể, cùng khoảng 200 tiêu bản cơ thể người đựng trong lọ hóa chất để sinh viên quan sát và học tập.
Lớp học chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 20 sinh viên, nghiên cứu một thi thể. Vì số lượng xác hạn chế, sinh viên Đại học Y Hà Nội chỉ kiến tập chứ không được trực tiếp thực hiện thao tác mổ, gọi là phẫu tích. Tức là học đến nội dung nào, thầy giáo hoặc kỹ thuật viên sẽ phẫu tích, bộc lộ các mạch máu, dây thần kinh phần đó để sinh viên quan sát. Thi thoảng một số bạn được tự dùng kẹp, gim gắp các dây thần kinh, cơ để dễ dàng quan sát.
Cũng như Hường, một số sinh viên ban đầu hào hứng “sẽ được học trên xác”, nhưng khi vào phòng không chịu nổi với mùi đã phải tránh ra ngoài. Một số sinh viên trụ được buổi học đầu. Như Nguyễn Hồng Phúc, chung lớp Hường, cho biết đã được các anh chị khóa trên chia sẻ về những khó khăn của bộ môn này, tuy nhiên cô không tưởng tượng được thực tế lại khắc nghiệt như vậy.
“Quá đông người vây quanh cùng mùi khó chịu gây thiếu oxy, khó thở đến suýt ngất”, Phúc cho biết. Đứng nghe thầy giảng một lúc, Phúc cũng phải chạy ra ngoài nôn, hít thở, sau đó quay lại học tiếp.
Ngô Hà My và Lê Thị Thương chung nhóm học, khả năng chịu đựng tốt hơn, đeo khẩu trang và bắt kịp nhanh vào bài giảng. My chăm chú lắng nghe và quan sát tỉ mỉ thi thể, tiêu bản phần ngực, tiêu bản cánh tay. Tuy nhiên, đến phần thực hành, sinh viên được thầy yêu cầu tự dùng phanh kẹp, gim, gắp các dây thần kinh lên để phân tích cấu trúc, hai bạn run tay, không dám nhìn thẳng để gắp lên.
Tại phòng xác ở tầng hai của Viện Giải phẫu, các sinh viên y năm thứ hai vây quanh xác người để học về cấu trúc cơ thể.
Bác sĩ nội trú Nguyễn Thế Thái cho biết, theo quy trình, thi thể được hiến tặng, viện tiếp nhận và trong vòng 24 giờ được bảo quản theo hai phương pháp. Một cách là bảo quản bằng hóa chất để không bị phân hủy, gọi là xác khô, khoảng một năm sau đưa ra sử dụng cho nghiên cứu và giảng dạy. Cách khác, thi thể được bảo quản trong tủ lạnh chuyên biệt, gọi là xác tươi, được sử dụng trong các buổi học giải phẫu đào tạo y bác sĩ và huấn luyện kỹ thuật cao trong phẫu thuật.
“Bộ môn giải phẫu là cánh cửa đầu tiên tất cả sinh viên y khoa bắt buộc vượt qua. Không một phương tiện giảng dạy nào tốt hơn chính cơ thể người”, bác sĩ Thái nói, thêm rằng những thi thể được sinh viên trường y gọi là “người thầy thầm lặng”.
Theo bác sĩ Thái, đa phần sinh viên y khoa rất dũng cảm, không sợ khi nhìn thấy xác người. Điều gây khó chịu là mùi hóa chất. “Có bạn phải đến buổi học thứ ba mới dần làm quen được với môi trường này”, bác sĩ nói. Nhiều sinh viên nữ “mặt tái xanh” khi nhìn thấy thi thể, hoặc quay mặt, bịt mắt khi chứng kiến những tiêu bản cơ thể người được ngâm trong bình formol.
“Tôi luôn động viên sinh viên vượt qua nỗi sợ, coi đây là nhiệm vụ thiêng liêng, cần nghiêm túc trước người đã hy sinh cơ thể phục vụ y học”, bác sĩ Thái nói, thêm rằng nếu không vượt qua cảm giác sợ hãi thì không thể tiếp thu hiệu quả môn học này.
Giải phẫu là môn cơ sở của tất cả bộ môn liên quan đến hệ ngoại, dạy sinh viên biết được cấu trúc cơ bản của con người. Nếu bác sĩ không nắm rõ được cấu trúc từng bộ phận cơ thể người sẽ không thể phẫu thuật cũng như điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên do ít thi thể, số lượng sinh viên quá đông, đứng chen chúc xung quanh một xác, khiến việc quan sát rất khó khăn chứ chưa nói đến được tự tay phẫu tích.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó trưởng bộ môn giải phẫu, Đại học Y Hà Nội, cho biết việc học và giảng dạy bộ môn giải phẫu hiện gặp nhiều khó khăn. 10 năm qua, Viện Giải phẫu chỉ tiếp nhận được 13 xác, không đủ cho sinh viên và bác sĩ nghiên cứu, học tập.
“Mỗi buổi học chỉ nên có 8-10 sinh viên thực hành trên một xác. Tuy nhiên, hiện do số lượng không đủ, hơn 20 sinh viên thực hành trên một thi thể, hiệu quả học tập chưa cao”, ông Nghĩa nói.
Nguyên nhân khiến số lượng người hiến xác cho y học còn thấp, xuất phát từ tâm lý người Việt “chết toàn thây”, theo ông Nghĩa. Không ít người đăng ký hiến xác nhưng bị gia đình phản đối. Trong khi, theo quy định, người hiến xác phải được sự đồng ý của tất cả thành viên trong gia đình.
Tiến sĩ Nghĩa mong muốn nhiều người dân hiểu hơn về nghĩa cử cao đẹp này, đăng ký hiến tặng thi thể cho nghiên cứu, giúp ngành y giải quyết thực trạng thiếu hụt kéo dài hàng chục năm nay. Từ đó, cũng góp phần để các sinh viên y nâng cao chất lượng học tập, trở thành những bác sĩ giỏi trong tương lai.
Thúy Quỳnh