Báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, TP.HCM kiến nghị Trung ương xem xét, cho phép xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị đặc biệt.
Chiều 17-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì buổi làm việc của đoàn công tác Trung ương với Thành ủy TP.HCM.
TP.HCM chưa phát huy được vị trí, vai trò trong liên kết vùng
Tại buổi làm việc, Thành ủy TP.HCM đã báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII từ đầu nhiệm kỳ đến nay và việc quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Báo cáo ngoài việc nêu các kết quả tích cực, hạn chế, yếu kém, khó khăn còn nêu rõ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế liên kết, phát triển vùng TP.HCM.
Theo báo cáo, TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và trở thành đầu mối giao lưu với các vùng trong cả nước và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng. Đến nay TP.HCM hợp tác phát triển kinh tế, xã hội với 36 địa phương trong cả nước.
Các doanh nghiệp TP đã đầu tư và góp phần hình thành nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân các địa phương và giảm áp lực di dân trong độ tuổi lao động đến TP.HCM.
Vùng TP.HCM có 8 tỉnh, trong đó TP.HCM chiếm 42% trong tổng quy mô dân số. TP được quy hoạch cho vai trò trung tâm của một vùng với khoảng trên 30 triệu người vào năm 2030, đặc biệt là khả năng kết nối vùng của hệ thống giao thông, chất lượng đô thị đặc biệt hấp dẫn, là trung tâm thu hút đầu tư, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm về khoa học công nghệ và điểm đến du lịch trọng yếu của cả vùng.
Tuy nhiên cũng theo báo cáo, nhiều năm qua TP.HCM chưa phát huy được vị trí, vai trò trong liên kết vùng do cơ chế, chính sách chưa được hình thành đồng bộ, đầy đủ, nhất là trong huy động nguồn lực cho các dự án quy mô vùng.
Khuôn khổ thể chế cho hợp tác, liên kết vùng chưa hoàn thiện, chưa tạo hình thức và động cơ để các địa phương trong vùng chủ động, năng động, sáng tạo trong các hoạt động phát triển vùng.
Bộ máy điều phối vùng chưa hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống thể chế Việt Nam được thiết kế với tư duy quản lý theo địa giới hành chính với tầm nhìn của từng ngành. Các quy định được thiết kế, vận hành chung cho cả nước, rất hạn chế với những thiết kế có tính đến điều kiện, đặc điểm riêng của từng vùng.
Điều này dẫn đến sự bất cập, không đồng bộ của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ảnh hưởng đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn vùng.
Phân cấp, phần quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện tạo thực tiễn cho từng địa phương. Thiếu khuôn khổ thể chế để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn của vùng trong khi phân bổ nguồn lực ngân sách hạn chế và thiếu trọng tâm.
Cho phép xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị đặc biệt
Bên cạnh đó, một số thể chế quản lý tạo ra sự chèn lấn vai trò giữa Trung ương và TP. Các cơ sở dữ liệu thông tin quản lý buộc phải tập trung đầu mối và theo những chuẩn thiết kế của Trung ương trong khi thành phố lại có những đặc thù và yêu cầu riêng…
Đồng thời giới hạn trong các khuôn khổ thể chế cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xin – cho các thể chế, chính sách đặc thù.
Cần tăng cường kết nối vùng để mở rộng vùng hậu phương, gia tăng vai trò trung tâm Đông Nam Bộ và Đông Nam Á của TP.HCM trong thu hút đầu tư.
Từ thực tiễn thể chế của TP, Thành ủy TP.HCM nhận thấy cần có sự đổi mới mang tính đột phá nhằm khắc phục những di sản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong nền hành chính, xóa bỏ cơ sở pháp lý của cơ chế xin – cho.
TP.HCM kiến nghị Trung ương xem xét, cho phép xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị đặc biệt. Kiến nghị các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng cấp quốc gia và cấp vùng trên địa bàn TP.
Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ mọi nơi bằng xây dựng các cụm ngành kinh tế về dịch vụ, thương mại, đổi mới sáng tạo của các vùng.
Phát triển đô thị và khu công nghiệp tại TP.HCM cần đặt trong bối cảnh vùng để có lợi thế cạnh tranh, đó là chất lượng nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và khả năng tiếp cận hạ tầng logistics chiến lược.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/lam-viec-voi-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tp-hcm-kien-nghi-co-luat-ve-do-thi-dac-biet-20240817152616715.htm