Nghệ nhân Mông Đông Vũ xem lá, búp cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo, thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. |
P.V: Thưa nghệ nhân, nhà văn hóa trà Mông Đông Vũ, trong một chuyến công tác gần đây, các nhà khoa học và những chuyên gia về chè đã lên đỉnh núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và tìm thấy quần thể 18 cây chè cổ ước trên 200 tuổi. Tôi có mang đến đây những mẫu lá, búp của các cây chè cổ này. Ông là một chuyên gia trong lĩnh vực chè, nghiên cứu chè rất nhiều năm, xin ông cho biết quan điểm của mình?
Nghệ nhân Mông Đông Vũ: Theo cảm quan của tôi, đây là chè Nam không phải chè Shan Tuyết. Đây là một giống chè Nam đã được Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rất rõ “Chè Nam sản ở các huyện Phú Lương, Động Hỉ (nay là Đồng Hỷ), Đại Từ, Phổ Yên, vị ngon hơn chè các nơi khác".
Giống chè Nam khi được các nhà sử học thời Nguyễn, tức là thời Vua Tự Đức năm 1848, ghi chép lại thì có nghĩa trước đó đã được trồng, thu hái, sử dụng làm đồ uống, quà biếu. Để phân biệt với chè Bắc, tức là chè Tàu, dân gian gọi tên giống chè này là chè Nam.
P.V: Vâng, vậy thì chè Nam có phải một giống chè tự nhiên không, thưa ông?
Nghệ nhân Mông Đông Vũ: Cái đó có lẽ là đúng đấy. Bởi vì, cây chè này là do tự nhiên, trời đất, khí hậu hay do sự linh thiêng của vùng đất Thái Nguyên sinh ra một thứ quý như thế. Nhưng, bây giờ mình mới để ý đến con cháu của chè Nam tức là chè Thái Nguyên bây giờ, chứ chưa để ý đến “ông tổ” của nó.
P.V: Ông có nói chè Nam đã xuất hiện tại Thái Nguyên từ rất lâu rồi. Theo ông, chè Nam xuất hiện trên mảnh đất “Đệ nhất danh trà” từ khi nào?
Nghệ nhân Mông Đông Vũ: Bây giờ, ta phải tính ngược từ thời Vua Tự Đức – thời bắt đầu biên soạn cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí. Bởi vì, thời đó các nhà sử học đã khẳng định Thái Nguyên có 4 huyện có chè ngon hơn nơi khác. Mình tính dồn lên, ít thì cũng 100-200 năm thì mới hình thành chè Nam để phân biệt với chè Bắc. Cứ cho rằng, chè Nam xuất hiện trước thời vua Tự Đức khoảng 150 năm, cộng với từ đó đến nay thì ít nhất nó cũng có gần 400 tuổi rồi.
Nghệ nhân Mông Đông Vũ sinh năm 1950, là người gần như dành trọn cuộc đời mình cho trà. |
P.V: Thưa ông, với quá trình nghiên cứu của mình, ông đã phát hiện ra chè Nam ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Xin ông nói rõ hơn về địa điểm xuất hiện chè Nam này?
Nghệ nhân Mông Đông Vũ: Tôi cho là vùng phía Đông Tam Đảo đâu cũng có, có thể ở dưới thấp, có thể ở trên cao. Ở phía đằng Thần Sa, Thượng Nung thuộc huyện Võ Nhai, Hợp Tiến thuộc huyện Đồng Hỷ cũng có, nhưng không nhiều. Tôi đã từng sang đấy. Người dân nói đã chặt đi để làm nương. Như vậy, vùng Thái Nguyên có chè Nam không phải là ít.
P.V: Ông có nói lịch sử chè Thái Nguyên xuất phát từ chè Nam. Vậy, ông có thể bàn thêm về lịch sử chè Thái Nguyên?
Nghệ nhân Mông Đông Vũ: Bây giờ mình thiếu tư liệu. Chúng ta đang không có bằng chứng, tư liệu để chứng minh. Điều quan trọng nhất là khi mình uống chè ngon của Thái Nguyên bây giờ, với mình thuê người hái chè ở trên Tam Đảo về mình pha, lấy chè tươi mình hãm uống thì thấy giống nhau. Chè Nam và chè Thái Nguyên bây giờ giống nhau về hương, vị. Như vậy, có thể khẳng định rằng, chè Thái Nguyên hiện nay có nguồn gốc sâu xa từ chè Nam. Thế còn người xưa lấy từ hạt, cây chè con… để nhân giống thì mình không có căn cứ nào để nói. Sử sách đã khẳng định Thái Nguyên là thủ phủ, nhiều chè nhất và vị của nó ngon hơn nơi khác. Đây là minh chứng rõ nét nhất về lịch sử chè Thái Nguyên.
Nghệ nhân, nhà văn hóa trà Mông Đông Vũ trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên. |
P.V: Ông đang đặt ra vấn đề về “ông tổ” của chè Thái Nguyên. Theo ông, chúng ta cần nghiên cứu như thế nào để xác định lại về lịch sử xuất hiện chè Thái Nguyên?
Nghệ nhân Mông Đông Vũ: Nếu nói về lịch sử, theo tôi nên phân đoạn. Khoảng thời gian người Pháp bắt đầu làm đồn điền trồng chè tại Thái Nguyên đến ông Đội Năm Vũ Văn Hiệt thi đấu xảo giành danh hiệu “Đệ nhất danh trà” ta tính thành một giai đoạn. Tiếp đó, giai đoạn của chè Thái Nguyên bây giờ ta tính tiếp thành một giai đoạn nữa. Thế còn giai đoạn cao hơn, chúng ta phải nghiên cứu bắt đầu từ Đại Nam Nhất Thống Chí nhìn quay trở về thời điểm trước khi người Pháp lập đồn điền chè tại Thái Nguyên. Và, một giai đoạn nữa là từ Đại Nam Nhất Thống Chí nhìn ngược về thời xa xưa. Đánh giá như vậy, tự nhiên sẽ thấy nguồn gốc chè Thái Nguyên có từ rất lâu, xa xưa với ý nghĩa vô cùng lớn. Tôi chỉ muốn khẳng định lại một lần nữa, chè Nam là tự nhiên và là “ông tổ” của chè trên vùng đất linh thiêng Thái Nguyên.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nghệ nhân, nhà văn hóa trà Mông Đông Vũ, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, là người gần như dành trọn cuộc đời mình cho trà. Ông sinh năm 1950. Từ thời trẻ, ông đã đi nhiều nơi trên thế giới và khắp Việt Nam để nghiên cứu về trà và cây chè. Ông cũng xác lập kỷ lục Việt Nam “người sưu tập ấm trà nhiều nhất”… |
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202504/giong-che-co-nui-tam-dao-co-the-la-to-cua-che-thai-nguyen-446141f/
Bình luận (0)