Tôi bị đau nhức khớp nghiêm trọng khi trời trở lạnh dù đã mặc ấm. Làm sao để cải thiện tình trạng này? (Ngọc Huyền, 51 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Đau nhức xương khớp xảy ra quanh năm, nhưng nhiều người thường cảm thấy đau nhiều hơn khi thời tiết lạnh. Một số giả thuyết được đưa ra là do nhiệt độ thấp làm giảm tuần hoàn máu đến khớp, khiến cơ và gân co lại gây áp lực lên khớp và các dây thần kinh, tăng độ cứng khớp.
Thời tiết lạnh có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất collagen type 2 – loại protein giúp tái tạo sụn khớp khỏe mạnh. Tiến trình lão hóa bề mặt sụn khớp và loãng xương thúc đẩy mức độ đau gia tăng. Ít hoạt động, nằm hoặc ngồi quá lâu trong những ngày lạnh cũng gây cứng khớp, đau nhức trầm trọng hơn.
Bạn có thể tham khảo các cách dưới đây để cải thiện tình trạng này vào mùa lạnh.
Giữ ấm cơ thể: Mặc nhiều lớp quần áo khi ra ngoài, chú ý che chắn ở các khớp dễ bùng phát cơn đau như gối, hông, cổ vai gáy, ngón tay…
Khi ở trong nhà, giữ ấm cơ thể bằng cách đi dép, mang vớ, đắp chăn ấm và tắm nước ấm. Nước ấm có thể làm dịu cơn đau khớp cũng như các cơ xung quanh.
Duy trì vận động: Tập thể dục thường xuyên tăng cường sức mạnh cơ và xương giúp bảo vệ, duy trì sự dẻo dai. Không hoạt động dẫn đến giảm phạm vi chuyển động và đau khớp nhiều hơn. Bạn có thể bơi ở bể nước ấm trong nhà, giãn cơ bằng yoga, tập pilates, đi bộ nhanh hoặc tập tạ.
Chườm nóng: Khi cơn đau khớp bùng phát, chườm nóng có thể giúp thư giãn cơ bắp, xoa dịu cơn đau. Bạn cũng có thể dùng các thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) để giảm các triệu chứng.
Duy trì cân nặng: Những ngày đông lạnh, mọi người có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường. Chỉ cần tăng khoảng 2 kg gây thêm áp lực cho các khớp vốn đã đau nhức.
Bạn cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau xanh, protein nạc để kiểm soát cân nặng và tăng cường sức khỏe khớp. Ưu tiên thực phẩm có đặc tính chống viêm tự nhiên như bơ, các loại hạt, quả mọng, tỏi và cá béo. Tránh chọn loại không lành mạnh như thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều muối, đồ ngọt… vì có thể gây viêm.
Uống đủ nước: Trong những tháng mùa đông, nhiều người lầm tưởng không nóng và không đổ mồ hôi là không bị mất nước. Không khí khô có thể gây mất độ ẩm qua da và hơi thở. Mất nước có thể làm tăng độ nhạy cảm với đau nhức, giảm dịch khớp và bôi trơn, đồng thời dẫn đến chuột rút. Bạn nên uống nhiều nước mỗi ngày, bao gồm nước lọc, nước ép trái cây, canh, súp.
Người bị viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, lupus, thoái hóa khớp hoặc đau cơ xơ hóa dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thay đổi thời tiết. Bạn có thể bổ sung thêm các dưỡng chất thiên nhiên như collagen type 2 không biến tính, collagen peptide thủy phân, chondroitin sulfate, tinh chất từ củ nghệ, màng vỏ trứng… giúp điều hòa miễn dịch, góp phần ức chế sản sinh chất gây viêm, ngăn chặn viêm tiến triển.
Các dưỡng chất này còn hỗ trợ giảm đau nhức, tái tạo sụn và xương dưới sụn, duy trì cấu trúc và chức năng vận động cho khớp.
Nếu đau nhức khớp nặng hơn và kéo dài trong mùa lạnh, bạn cần đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp để được bác sĩ điều trị.
Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến
Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc về bệnh xương khớp, gửi câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp |