Cán bộ phải đào tạo từ gốc, từ nhân viên mới bền
Ngày 28/6, Bộ TT&TT tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 379 cán bộ là lãnh đạo cấp Phó Vụ trưởng, quản lý cấp phòng và tương đương của 34 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ. Đây là khóa đào tạo đầu tiên trong kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp và cán bộ, công chức của Bộ TT&TT năm 2024.
Tinh thần đổi mới của Bộ TT&TT đã được áp dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Bộ, khi khóa học được mở đầu bằng nội dung giảng bài của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng với các học viên, diễn ra theo hình thức tọa đàm.
Được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 3 điểm cầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, phiên tọa đàm ‘Sẵn sàng tâm thế đổi mới trong kỷ nguyên số’ giữa Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng với lãnh đạo quản lý cấp trung của Bộ còn có sự tham dự của các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng và Tiến sĩ Đinh Thị Hồng Duyên, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Học viện nguồn nhân lực số – Giảng viên của khóa đào tạo.
Chỉ rõ lớp cán bộ tạo sự bền vững cho một tổ chức chính là các chuyên viên và cấp lãnh đạo trung gian, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cán bộ phải đào tạo từ gốc, từ nhân viên mới bền. Các cán bộ quản lý cấp phó, cấp phòng và tương đương sau này sẽ trưởng thành, đảm nhận những trọng trách lớn hơn trong tương lai, do đó họ cần có sự chuẩn bị, phải được đào tạo, rèn luyện và trải nghiệm ngay từ bây giờ.
Với quan điểm đó, hiện nay Bộ TT&TT đang thực hiện bổ nhiệm, giao việc cho cán bộ dựa trên tiềm năng. Và để đẩy nhanh sự bộc lộ năng lực của cán bộ, yêu cầu, mục tiêu đặt ra cho các lãnh đạo bổ nhiệm dựa trên tiềm năng được đẩy lên ở mức cao hơn. Lãnh đạo trực tiếp của những nhân sự này cũng phải giám sát, giúp đỡ thường xuyên hơn.
Bên cạnh yêu cầu cán bộ quản lý các cấp của Bộ cần tập trung 80% sức lực và thời gian để làm tốt việc trong không gian, ‘vòng tròn’, nhiệm vụ của mình, Bộ trưởng cũng đề nghị họ sẵn sàng nhận việc khi được cấp trên giao cho không gian, trách nhiệm lớn hơn. Bởi lẽ, đây chính là cơ hội để các cán bộ quản lý cấp trung được học hỏi, trải nghiệm, trang bị những kỹ năng cần thiết cho quá trình công tác sau này. “Trong lúc mình đang còn trẻ, có nhiều thời gian thì đừng ngại việc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.
Lãnh đạo phải ‘dung’ được sự khác biệt của nhân sự trong tổ chức
Trong hơn 3 tiếng của chương trình tọa đàm, lãnh đạo Bộ TT&TT đã có điều kiện hiểu hơn về đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung, từ đó phát hiện, tiếp tục đào tạo để tạo nguồn lãnh đạo cho Bộ. Song song đó, qua những nội dung giải đáp cặn kẽ, có phân tích và dẫn chứng cụ thể của người đứng đầu ngành TT&TT, các cán bộ quản lý của Bộ đã được trang bị thêm về định hướng phát triển, quan điểm quản lý của ngành cũng như những yêu cầu về kỹ năng cần có của người lãnh đạo.
Giải thích rõ hơn về chuyển đổi số – chuyển đổi xanh và sự vận dụng trong các đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ trưởng muốn mọi người hiểu ‘cặp song sinh’ này một cách đơn giản. Trong đó, chuyển đổi số cần được nhìn nhận như một việc tự thân mỗi người thấy có lợi. Chẳng hạn, khi giấy tờ, văn bản, dữ liệu nhiều, con người bị quá tải thì cần chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số để máy móc làm thay, vì máy làm tốt hơn con người những việc nhiều dữ liệu. Việc tạo ra trợ lý, thư ký ảo chính là một dạng dùng chuyển đổi số để đỡ việc cho con người. Còn với chuyển đổi xanh, mọi người được khuyến nghị nên bắt đầu từ những việc nhỏ, tưởng như đơn giản như giảm bớt dùng văn bản giấy, viết báo cáo ngắn, không dùng vật chất thừa thãi, quá đà…
Trước băn khoăn nên chú trọng vào nội dung hay công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần tư duy theo chữ ‘và’ thay vì ‘hoặc’. Cùng với việc lý giải rõ xu hướng chuyển đổi của công nghệ và nội dung báo chí ngày nay, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của ngữ cảnh, bởi ngữ cảnh mới tạo ra khác biệt của một tờ báo, một tổ chức.
Mở rộng vấn đề sang câu chuyện quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, người lãnh đạo cần học được chữ ‘dung’, chấp nhận sự khác biệt của mỗi cá nhân. Trong ban lãnh đạo một đơn vị cũng cần có những người khác nhau, có người nhanh – người chậm, người logic tốt – người trực quan tốt, người thâm trầm – người sôi nổi, có như vậy tổ chức mới bền vững.
Đề cập đến công việc của lãnh đạo cấp phòng, Bộ trưởng chỉ rõ: Việc mới là việc chưa có tiền lệ, chưa có quy định, thậm chí nếu muốn làm phải vượt lên trên quy định, không bao giờ là việc của cấp phòng, chuyên viên. Cán bộ cấp phòng cần tập trung xử lý tốt những việc thường xuyên, dành ít nhất 95% thời gian, sức lực, trí tuệ hướng vào những việc thường xuyên.
Để tạo động lực cho nhân viên, phương án tốt nhất là giao cho họ những việc tạo ra giá trị, việc lớn, thách thức, thường là những việc mới và có backup phía sau, đó là chỉ ra cho họ một cách làm dễ. Người lãnh đạo, làm quản lý dù ở cấp cục phó, vụ phó hay cấp phòng, khi nghĩ ra một việc mới có tính thách thức thì đồng thời phải nghĩ ra một cách tiếp cận dễ làm để nhân viên có thể làm được. “Làm lãnh đạo không chỉ là nghĩ những việc thách thức, việc có giá trị giúp cho đất nước phát triển, mà còn phải tìm ra cách làm dễ, một góc tiếp cận mới để việc đó trở nên khả thi”, Bộ trưởng nêu rõ.
Với tình huống cụ thể là xử lý với những nhân sự làm việc cho ra kết quả chất lượng thấp, Bộ trưởng gợi mở cách để tổ chức hoạt động tốt với những nhân sự trung bình. Đó là, thiết kế tổ chức với các quy trình tường minh, quy định rõ ràng về công việc, yêu cầu kết nối; Đầu tư công cụ để công việc của nhân viên dễ hơn khoảng 4 – 5 lần để người trung bình cũng có thể làm tốt. “Làm lãnh đạo, tôi vẫn nhắc đi nhắc lại là phải xây dựng các hệ thống công cụ để cho việc của cán bộ, nhân viên mình dễ hơn mà chất lượng công việc tốt lên. Trong các công cụ đó, công cụ số là quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/lam-lanh-dao-can-tim-ra-cach-lam-de-cho-nhung-viec-thach-thuc-tao-ra-gia-tri-2296379.html