Khi trẻ bị đau đầu thường xuyên, gia đình có thể xoa bóp nhẹ hoặc đưa con đi khám để được châm cứu, học cách thư giãn nhờ tưởng tượng có hướng dẫn.
Xoa bóp
Xoa bóp có thể hữu ích khi trẻ bị đau đầu hàng ngày. Biện pháp này kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên để kiểm soát căng thẳng và tránh các tác nhân khác gây đau đầu ở trẻ. Xoa bóp có ít tác dụng phụ, tuy nhiên gia đình nên xin tư vấn của bác sĩ trước khi áp dụng.
Châm cứu
Châm cứu cũng có thể có lợi cho trẻ bị đau đầu. Phương pháp này sử dụng kim mỏng đâm qua da, giải phóng endorphin là hormone giảm đau tự nhiên của cơ thể. Điều trị bằng châm cứu thường diễn ra một hoặc hai lần một tuần, kéo dài 4-6 tuần. Do đâm kim, biến chứng có thể gặp là chảy máu nhẹ và bầm tím, rất hiếm xảy ra nhiễm trùng.
Phản hồi sinh học
Phản hồi sinh học (biofeedback) là cách điều trị không dùng thuốc, trong đó trẻ học cách kiểm soát cơn đau. Đây cũng là phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi cho chứng đau nửa đầu. Ví dụ, một thiết bị phản hồi sinh học chỉ ra trẻ bị căng cơ ở cổ, gây ra cơn đau đầu. Bằng cách quan sát các phép đo này thay đổi như thế nào, trẻ hiểu rõ khi nào cơ thể bị căng và học cách thả lỏng. Phản hồi sinh học có tại các phòng khám, bệnh viện, an toàn để sử dụng và không có tác dụng phụ.
Tưởng tượng có hướng dẫn
Tưởng tượng có hướng dẫn, tự thôi miên hoặc thư giãn có thể hữu ích để ngăn cơn đau đầu ở trẻ. Trẻ thường rất giỏi trong kỹ thuật này vì sử dụng trí tưởng tượng để thư giãn. Gia đình nên đưa con đến bác sĩ nhi khoa có chuyên môn để hướng dẫn trẻ thực hiện kỹ thuật này.
Ngoài các biện pháp nói trên, gia đình nên cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, tăng hàm lượng một số chất dưới đây để ngăn hoặc giảm đau đầu. Tất cả bổ sung trong chế độ ăn uống nên được bác sĩ nhi khoa tư vấn trước khi áp dụng.
Vitamin B2 (riboflavin): Riboflavin là một loại vitamin B có thể làm giảm số lần đau đầu. Các tác dụng phụ hiếm gặp có thể bao gồm tiêu chảy, tăng số lần đi tiểu và nước tiểu đổi màu.
Magie: Bổ sung magie cũng có thể giúp giảm số lần đau đầu. Thanh thiếu niên bị chứng đau nửa đầu có thể có lượng magie trong cơ thể thấp hơn so với những người không mắc chứng này. Bổ sung magie có thể gây tiêu chảy và tương tác với một số loại thuốc.
Coenzyme Q10 (CoQ10): Đây là một chất chống oxy hóa có trong mỗi tế bào của cơ thể. Tuy nhiên, 1/3 trẻ em bị chứng đau nửa đầu thiếu chất này. Chất này có thể ở dạng thực phẩm chức năng dùng hàng ngày. Các tác dụng phụ hiếm gặp và nhẹ gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, ợ chua.
Chi Lê (Theo Healthy Children)