Thở sâu hoặc mím môi, thay đổi tư thế ngồi hoặc đứng, xông hơi nước có thể giảm khó thở tạm thời.
Người bị khó thở không phải là trường hợp cấp cứu y tế có thể áp dụng một số cách dưới đây cải thiện tình trạng.
Hít thở sâu
Hít thở sâu bằng bụng có thể dễ thở hơn. Thực hiện: Nằm xuống và đặt tay lên bụng. Hít sâu bằng mũi, hóp bụng để tạo không gian cho phổi hít đầy không khí và giữ trong vài giây. Thở ra từ từ bằng miệng, đưa toàn bộ không khí ra ngoài. Thực hiện bài tập này nhiều lần mỗi ngày hoặc thường xuyên khi cảm thấy khó thở.
Thở mím môi
Bài tập thở mím môi có thể giảm khó thở nhờ làm chậm nhịp thở. Phương pháp này có thể hữu ích nếu khó thở do lo lắng, hồi hộp, căng thẳng.
Thực hiện: Bắt đầu với tư thế ngồi thẳng trên ghế với vai thả lỏng. Mím môi lại với nhau giống như thổi sáo. Hít vào bằng mũi trong vài giây. Nhẹ nhàng thở ra qua đôi môi đang mím lại và đếm từ một đến bốn. Lặp lại 4-5 lần.
Có tư thế thoải mái
Người đang khó thở có thể chuyển đổi tư thế để thư giãn và lấy lại nhịp thở bình thường. Nếu khó thở do lo lắng, gắng sức, hoạt động nặng hoặc thay đổi thời tiết, độ cao… thì thay đổi tư thế có thể cải thiện. Các tư thế làm giảm áp lực lên đường thở bao gồm:
Ngồi về phía trước: Ngồi trên ghế, đặt hai chân trên sàn, hơi cúi đầu về phía trước. Nhẹ nhàng chống khuỷu tay lên đầu gối để cằm tựa hai bàn tay. Giữ cho cơ cổ và vai được thư giãn.
Đứng chống tay vào mặt bàn: Đứng gần một chiếc bàn bằng phẳng, chắc chắn. Đặt hai bàn tay lên mặt bàn, giữ cho cổ được thư giãn.
Đứng tựa lưng vào tường: Đứng tựa lưng vào tường, giữ hai chân rộng bằng vai và đặt tay lên đùi. Vai thả lỏng, hơi nghiêng về phía trước để thả lỏng cơ thể.
Sử dụng quạt
Quạt giúp thổi không khí mát qua mũi và mặt, nhờ đó làm giảm cảm giác khó thở. Cách này có thể giảm cảm giác khó thở do ở trong không gian kín, đông người ngột ngạt, chứ không cải thiện triệu chứng do bệnh lý.
Xông mũi
Xông mũi có thể làm thông thoáng đường thở. Nhiệt và hơi ẩm từ hơi nước cũng hỗ trợ làm loãng chất nhầy trong phổi, bớt khó thở.
Thực hiện: Đổ đầy nước nóng vào một bát nước. Thêm một vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc khuynh diệp. Cúi mặt xuống bát ở khoảng cách phù hợp sau đó hít thật sâu cho hơi nước bốc lên từ bát vào trong mũi và thở ra nhẹ nhàng. Nên lưu ý khi thực hiện để tránh làm bỏng da mặt.
Ăn gừng tươi
Ăn gừng tươi hoặc uống trà gừng ấm có thể bớt khó thở do nhiễm trùng đường hô hấp. Gừng có tính nóng, cay có tác dụng cải thiện chức năng đường thở.
Uống một tách cà phê
Caffeine làm thư giãn các cơ trong đường thở, cải thiện chức năng phổi và ngăn chặn một số hóa chất góp phần gây khó thở. Tuy nhiên, người nhạy cảm với caffeine cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Wikihow)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |