(HNMO) – Ngày 12-6, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý II-2023 với các sở Thông tin và Truyền thông trong cả nước.
Tại hội nghị, đại diện các sở Thông tin và Truyền thông: Bắc Ninh, Bắc Kạn, thành phố Hồ Chí Minh; đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin thuộc các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến khu công nghệ thông tin tập trung, quản lý chia sẻ dữ liệu, về xác định giá thuê dịch vụ công nghệ thông tin, các vấn đề liên quan đến thẩm định thiết kế cơ sở dự án công nghệ thông tin… Các vấn đề này đã được đại diện các cục, vụ, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng làm rõ, giải đáp.
Với từng lĩnh vực quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu một số vấn đề triển khai trong thời gian tới. Đó là các chuyên gia độc lập Liên hợp quốc sẽ đánh giá, khảo sát dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Do vậy, đề nghị các đơn vị chuyên trách, các sở Thông tin và Truyền thông lưu ý thực hiện đồng bộ nội dung này. Về vấn đề kết nối chia sẻ dữ liệu, đề nghị các sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin bộ ngành phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định kết nối, chia sẻ dữ liệu thì phản ánh ngay về Cục Chuyển đổi số quốc gia để Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản gửi trực tiếp nhắc nhở.
Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố rà soát kỹ một lần nữa các vùng lõm sóng để Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai hoàn thành phủ sóng vào cuối năm nay. Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông làm việc với các địa phương để thực hiện đúng mục tiêu thanh tra về quản lý sim thuê bao trên toàn quốc. Cục Viễn thông chuẩn bị tổ chức hội nghị chuyên đề về dùng chung hạ tầng viễn thông và ngầm hóa hạ tầng viễn thông. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi địa chỉ internet sang IPv6 là nền tảng quan trọng để chúng ta thực hiện kinh tế số sau này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh một số vấn đề quản lý nhà nước để triển khai ngay.
Về cung cấp dịch vụ công, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần đạt các mục tiêu cung cấp dịch vụ công toàn trình để người dân không đến công sở, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến đạt 95% vào năm 2025. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tiêu chí, tiêu chuẩn về xã kỹ thuật số, huyện kỹ thuật số để các tỉnh triển khai. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ phải trở thành Bộ kỹ thuật số – hình thành bộ mẫu về quản trị số.
Về đô thị thông minh, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thống nhất một số tiêu chí trong trong xây dựng thành phố thông minh để các địa phương thực hiện. Trong đó chú trọng nhân rộng mô hình ở các địa phương đã triển khai thành công dùng chung nền tảng.
Về các hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa ra các tiêu chuẩn về tốc độ băng rộng di động, băng rộng cố định. Cùng với đó, các sở Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch hằng năm để phát triển hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn. Sau hạ tầng viễn thông là hạ tầng dữ liệu, Bộ cũng sẽ có tiêu chuẩn về hạ tầng dữ liệu, hạ tầng đám mây để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển dịch vụ này.
Việc trang bị kỹ năng số toàn dân cũng sẽ được coi trọng, thông qua đào tạo trực tuyến (online) thông qua nền tảng OneTouch, đồng thời để các địa phương chủ động đào tạo theo chủ đề của mình.
Bên cạnh việc định hướng các nhiệm vụ triển khai của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng dành thời gian đề cập đến quá trình nhận thức về chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng, đến lúc phải làm một cách thực chất, có nghĩa là tạo ra giá trị cho người dân, cho sự phát triển của đất nước.
“Chuyển đổi số chính là phát triển nhanh vì kinh tế số tăng trưởng 3, 4 lần so với tăng trưởng GDP (hiện kinh tế số đã đóng góp 15% GDP); là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn, trung hạn; để đến mốc năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.