Là tỉnh miền núi, biên giới với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 84%, Lai Châu xác định vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Những năm qua, Lai Châu luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã. Tỉnh coi đó là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh tại địa phương.
Cán bộ là người dân tộc thiểu số được sinh ra từ bản làng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc thiểu số và am hiểu đời sống, phong tục, tập quán. Họ gần gũi, sâu sát, hiểu và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Vậy nên, nếu phát huy được bản lĩnh, tri thức của cán bộ người dân tộc thiểu số, họ sẽ là nhịp cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động, triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách kịp thời, hiệu quả. Qua đó, tổ chức, dẫn dắt, tạo động lực cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng và phát triển bản làng, quê hương.
Xã Sùng Phài (TP Lai Châu) có tới 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã tạo đã điều kiện, khuyến khích cán bộ, công chức tăng cường học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo các tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cơ sở.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, đã có 60 lượt cán bộ, công chức xã được tham gia các lớp học tập, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ từ cao đẳng lên đại học, tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị, quản lý Nhà nước…
Hiện nay, trong tổng số 22 cán bộ, công chức xã Sùng Phài thì có tới 15 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; trong đó 12/15 cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đại học, 15/15 có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Chị Giàng Thị Ca – Phó Chủ tịch HĐND xã Sùng Phài – chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, chị được tham gia nhiều lớp như trung cấp lý luận chính trị, tập huấn về công tác giảm nghèo, lao động, việc làm, nghiệp vụ thực hiện chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, người yếu thế, nâng cao năng lực, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ đại biểu HĐND…
“Là cán bộ người dân tộc thiểu số, tôi nhận thấy được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị giúp bản thân nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tham mưu các nhiệm vụ được giao và nâng cao kỹ năng công tác dân vận, vận động quần chúng, nhờ vậy được Nhân dân quý mến, tin yêu“, chị Ca nhận thức.
Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của địa phương, tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Hàng năm, Tỉnh ủy dành 40% chỉ tiêu để tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, huyện.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 303 công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp với vị trí việc làm, trình độ, năng lực, sở trường công tác của cán bộ, từng bước cơ cấu lại đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đến nay có 60% sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh có cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số; 8/8 huyện, thành phố trong thường trực cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND có cán bộ là người dân tộc thiểu số; 49,43% các phòng, ban, cơ quan cấp huyện có cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiêu số.
Đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được nâng lên, tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn đại học đạt 99,75%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 100%; 100% cán bộ chủ chốt cấp xã đảm bảo điều kiện theo tiêu chuẩn chức danh, tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn đại học trở lên 78,67%, lý luận chính trị cao cấp 37,53%.
Có thể khẳng định, những kết quả trên là nền tảng quan trọng để các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy Lai Châu về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.