PV: Xin ông cho biết đôi nét về hoạt động hợp tác của Australia trong việc hỗ trợ sửa đổi Luật tương tự như Luật Khoáng sản ở Việt Nam hiện nay?
Đại sứ Andrew Goledzinowski: Bộ TN&MT đang chủ trì dự án xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản. Đây là một ý tưởng tốt vì Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhưng đối với lĩnh vực khoáng sản, tốc độ phát triển chưa thật sự tương xứng.
Australia là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, do đó chúng tôi rất vui khi được chia sẻ những kinh nghiệm này với phía Việt Nam nhằm tạo thêm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này. Đó sẽ là những khoản đầu tư có lợi cho nền kinh tế Việt Nam và đảm bảo phù hợp với mục tiêu quản trị các vấn đề xã hội, môi trường.
Chúng tôi đã có kinh nghiệm thực tiễn trong hỗ trợ cho Việt Nam. Khi Bộ TN&MT soạn thảo Luật Khoáng sản năm 1996, Bộ TN&MT đã liên hệ với phía Australia để tìm kiếm sự hỗ trợ và chúng tôi đã giúp Việt Nam đào tạo các cán bộ trong lĩnh vực này tại Australia. Đó là một sự hợp tác thành công. Chúng tôi cũng có kinh nghiệm hỗ trợ sửa đổi một số các Luật khác ở Việt Nam.
Hiện tại, chúng tôi đã hợp tác với phía Việt Nam để sửa đổi Luật Tài nguyên nước và đang hỗ trợ cho Luật Bình đẳng giới. Trước đây, chúng tôi cũng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong một số dự luật khác, bao gồm thông qua chia sẻ thông tin, đào tạo hoặc các vấn đề khác. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ hiệu quả và tích cực.
Tại các nước khác, Australia cũng có nhiều đóng góp, như việc sửa Dự thảo Luật Khai thác khoáng sản ở Mông Cổ. Mông Cổ là một trong những quốc gia khai thác khoáng sản lớn nhất ở khu vực châu Á và có mức đầu tư cao từ Australia, lên tới hàng tỷ đô la.
PV: Như ông chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên phía Australia hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, sự phối hợp, hỗ trợ đã diễn ra hàng chục năm qua. Vậy theo ông, ở lĩnh vực này, đâu là những điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia, nhất là từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực?
Đại sứ Andrew Goledzinowski: Có một số điểm sáng trong hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này. Theo tôi thấy, dù Luật Khoáng sản hiện hành chưa thu hút được nhiều công ty nước ngoài nhưng chúng ta đã có một số cái tên cụ thể. Ví dụ như Blackstone – công ty của Australia đang mong muốn phát triển sản xuất niken xanh tại Việt Nam. Blackstone muốn tăng cường năng lực lên tầm cỡ quốc tế với việc sử dụng năng lượng tái tạo để khai thác và xử lý niken.
Chúng tôi có một công ty khác là Australia Strategic Materials (ASM), đang quan tâm đến lĩnh vực đất hiếm. Trên thế giới, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất sau Trung Quốc, nhưng hiện tại, nguồn tài nguyên này chưa được khai thác đúng cách. Các công ty Australia, bao gồm ASM và Blackstone, đang quan tâm tới việc hợp tác với phía Việt Nam để khởi động ngành công nghiệp đất hiếm hiện đại.
Một số công ty khác như Công ty Vật liệu công nghệ cao Masan, công ty của Việt Nam, có cơ sở chế biến khai thác vonfram
(tungsten) lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Masan được các kỹ sư người Australia dẫn dắt với rất nhiều nhân viên người Australia khác. Như vậy, có nhiều ví dụ điển hình cho quan hệ hợp tác giữa hai nước. Có thể nói rằng chúng ta đang bắt đầu hành trình này và sẽ còn nhiều hợp tác khác trong tương lai. Tôi tin rằng quá trình này sẽ rất khả quan.
PV: Ông có nghĩ rằng Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực khai thác khoáng sản từ việc xây dựng luật không, thưa ông?
Đại sứ Andrew Goledzinowski: Chắc chắn là có. Đối với Australia, khai thác khoáng sản đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế. Australia kiếm được hơn một tỷ đô la Australia mỗi ngày từ lĩnh vực này.
Tất cả hoạt động đều do khu vực tư nhân thực hiện vì chi phí thăm dò và phát triển mỏ rất lớn, chính phủ không đủ khả năng thực hiện. Chính phủ cũng không có kinh nghiệm và công nghệ cho việc này. Các công ty khai thác quốc tế chất lượng tốt đến từ Australia, hay Canada, Mỹ và nhiều quốc gia khác đều có kinh nghiệm của họ.
Tôi tin tưởng rằng nếu Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng phù hợp, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ khoản đầu tư khổng lồ của các công ty quốc tế.
PV: Thưa ông, trong thời gian tới, Đại sứ quán Australia sẽ hỗ trợ gì cho cơ quan phụ trách xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản?
Đại sứ Andrew Goledzinowski: Như đã nói ở trên, sự hỗ trợ của chúng tôi tập trung vào chia sẻ thông tin vì Australia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Chúng tôi đã trao đổi ý tưởng và giải thích kinh nghiệm của Australia trong quá trình hỗ trợ các quốc gia khác xây dựng pháp luật về khai khoáng, như tại Mông Cổ. Ngoài ra, chúng tôi đã và đang hỗ trợ một số hoạt động nâng cao năng lực và hoạt động này được phía Việt Nam đón nhận tích cực.
Hỗ trợ tiếp theo là chuyến thăm quan học tập tới Australia nhằm hỗ trợ các chuyên gia của Bộ TN&MT có cơ hội thăm các khu mỏ của Australia, xem xét các cơ sở chế biến, trao đổi với kỹ sư và qua đó nâng cao hiểu biết về cách hoạt động của ngành khoáng sản hiện đại của một quốc gia như Australia. Tôi tin tưởng rằng các chuyên gia Việt Nam sẽ áp dụng tất cả những kiến thức đó cho phù hợp với tình hình Việt Nam và kết hợp vào hệ thống luật. Các vấn đề khác có thể cân nhắc bao gồm cơ chế đấu giá, tiền cấp quyền, thuế tài nguyên… Có rất nhiều nội dung cần được tích hợp để xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!