Với kỹ thuật trữ trứng, tạo phôi, nuôi cấy phôi bằng trí tuệ nhân tạo, những phụ nữ suy buồng trứng nặng vẫn có cơ hội mang thai, sinh con khỏe mạnh.
Đó là chia sẻ của ThS.BS Giang Huỳnh Như – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC), trong chương trình tư vấn “Vô sinh nữ do suy buồng trứng, giảm dự trữ buồng trứng (AMH thấp) và trữ trứng làm mẹ”, vào tối 25/5. Chương trình còn có sự tham gia của các bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ từ IVFTA-HCMC.
ThS.BS Giang Huỳnh Như cho biết, độ tuổi mang thai và sinh con tốt nhất của phụ nữ là 20-30 tuổi, khi số lượng trứng ở buồng trứng (chỉ số AMH) dồi dào và có chất lượng tốt nhất. Phụ nữ tuổi càng cao, buồng trứng sẽ dần lão hóa, suy giảm số lượng và chất lượng cho đến khi mãn kinh, cạn kiệt buồng trứng. Tuy nhiên, có những trường hợp phụ nữ bị suy giảm buồng trứng sớm, khi tuổi còn rất trẻ, do các bệnh lý liên quan đến buồng trứng, vòi trứng hoặc bẩm sinh.
Theo thống kê năm 2022 tại IVFTA-HCMC, 47% bệnh nhân đến thăm khám có AMH dưới 1,2, tức có dự trữ buồng trứng thấp. Đây là một thử thách vì tế bào trứng là tế bào quyết định khả năng thành công và tạo phôi cho cả chu kỳ điều trị.
Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật gom trứng, trữ trứng kết hợp với hệ thống Lab ISO 5 nuôi cấy phôi tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo, những phụ nữ này vẫn có cơ hội làm mẹ.
“Tế bào trứng là tế bào khó trữ vì sau khi trữ và rã thì có thể sống về mặt hình thức nhưng chức năng thì không dùng được nữa. Ở IVFTA-HCMC, với hệ thống Lab ISO 5 siêu sạch, tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo, chúng tôi tự tin làm chủ kỹ thuật này”, ThS.BS Giang Huỳnh Như cho biết.
Thông thường tỷ lệ có thai trong IVF thường được chia theo từng nhóm tuổi như nhóm 29 tuổi, nhóm 29-35 tuổi, nhóm 35-40 và sau 40. Tại IVFTA, thống kê cuối năm 2022, các nhóm dưới 40 tuổi đều có tỷ lệ mang thai gần như nhau, khoảng 60-65%, nhờ kỹ thuật trữ trứng và làm phôi tốt với cả trứng trữ và trứng tươi. Có những bệnh nhân AMH chỉ còn 0,1 vẫn mang thai thành công và sinh con mà không phải xin noãn của người khác.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú cho biết cách đây không lâu đã tiếp nhận một bệnh nhân độ tuổi khá trẻ nhưng AMH chỉ còn 0,1. Người bệnh đã 3 lần làm IVF ở các bệnh viện khác nhưng thất bại. Sau khi kiên trì trong suốt 5 tháng với 4 chu kỳ kích thích buồng trứng, chọc hút noãn, người bệnh có 4 phôi chất lượng tốt giúp tăng khả năng đậu thai. Bệnh nhân cũng có thể tiếp tục làm IVF sinh con thứ hai, thứ ba thuận lợi sau nhiều năm tới, ngay cả khi buồng trứng đã cạn kiệt.
Trước băn khoăn của nhiều độc giả trẻ tuổi làm sao nhận biết suy giảm buồng trứng để khám và điều trị kịp thời, bác sĩ Tú khuyến cáo, chu kỳ kinh nguyệt của một phụ nữ khỏe mạnh bình thường là 28-32 ngày. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh thưa thớt, giảm dần… thì nên đến bệnh viện để khám, ngay cả khi còn độc thân hay đã có gia đình.
Nếu được chẩn đoán xác định suy buồng trứng, phương pháp trữ trứng được xem là “bảo hiểm sinh sản”. Khi trữ trứng, đồng hồ sinh học của trứng sẽ dừng lại tại thời điểm đó. Chất lượng trứng được duy trì, giúp phụ nữ bảo tồn khả năng làm mẹ trong tương lai, chủ động kế hoạch mang thai và sinh con.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ cho hay, tại IVFTA, cũng có nhiều khách hàng nữ có nhu cầu làm mẹ đã đến trữ trứng trước khi sử dụng các liệu pháp hormone hoặc phẫu thuật chuyển giới. Những trường hợp chưa ức chế hormone hoặc đã ngừng ức chế hormone, có buồng trứng, tử cung thì có thể trữ trứng. Sau đó sử dụng tinh trùng của người hiến hoặc từ ngân hàng tinh trùng để thực hiện IVF và mang thai, sinh con bình thường.
Những phụ nữ chưa lập gia đình, tập trung cho sự nghiệp và phát triển bản thân, định hướng có con trong tương lai nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể; hoặc phụ nữ mong muốn làm mẹ đơn thân cũng nên cân nhắc đến phương pháp trữ trứng bảo tồn khả năng sinh sản càng sớm càng tốt. Ở phụ nữ trẻ tuổi, số lượng trứng thu được nhiều hơn, chất lượng trứng tốt hơn, tăng khả năng thành công khi tạo phôi và chuyển phôi.
Hoài Thương