Từng là lập trình viên, tiếp viên hàng không, lấy bằng thạc sĩ Công nghệ thông tin (IT) tại Pháp, cô Thảo cuối cùng quyết định làm giáo viên dạy cấp hai.
Cô Đỗ Thị Hương Thảo, 39 tuổi, thường đến trường Phổ thông Dewey, Hà Nội, từ sớm dù nhiều hôm không có tiết dạy buổi sáng. Ngồi trong phòng Tin học dành cho học sinh THCS, cô cẩn thận sắp xếp máy tính, xem lại bài giảng rồi trò chuyện với đồng nghiệp trong trường.
“Chị từng làm tiếp viên hàng không đó”, câu nói khiến mọi người bất ngờ, tò mò về cô giáo dạy môn Tin học có bằng thạc sĩ Công nghệ thông tin tại Pháp.
Cô Thảo là cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Tốt nghiệp năm 2006, cô làm lập trình viên mảng game mobile. Suốt hơn một năm, ngày nào cũng chỉ một hành trình từ nhà đến công ty rồi lại về nhà, trong khi đang ở độ tuổi thích khám phá, cô Thảo nghĩ đến chuyện đổi nghề.
Đúng lúc đó, Vietnam Airlines có đợt tuyển tiếp viên hàng không. Sau nhiều lần được chị họ kể những điểm thú vị của nghề này và nhận định “Thảo trông rất hợp”, cô quyết định thử sức.
Trúng tuyển sau nhiều vòng chọn gắt gao, từ hồ sơ, hình thể, sức khỏe đến phỏng vấn, cô gái quê Phú Thọ bắt đầu công việc trái ngành với nhiều trải nghiệm mới mẻ, được đặt chân tới nhiều vùng đất mới. Từ chế độ đãi ngộ đến môi trường làm việc, Thảo đều hài lòng.
Năm 2009, cô Thảo lập gia đình. Chồng từng học cùng trường, khi ấy làm tiến sĩ tại Pháp, đã khuyên cô nghỉ làm tiếp viên hàng không và tìm học bổng thạc sĩ để vợ chồng đoàn tụ. Tò mò về chương trình đào tạo ở nước ngoài, cô Thảo theo chồng.
Cô Thảo sau đó trúng tuyển chương trình thạc sĩ Công nghệ thông tin nhờ thành tích học tập tốt ở bậc đại học, như điểm tốt nghiệp đạt 7,95/10, nằm trong top 10 của lớp, giành giải nhất Olympic Toán sinh viên toàn quốc.
Hoàn thành chương trình, cô sinh con rồi làm cho một startup về AI ở Pháp, gặt hái được một số kết quả, từng được giới thiệu trên một tờ báo địa phương.
Năm 2017, cô Thảo cùng gia đình về Hà Nội, làm lập trình viên cho một doanh nghiệp, rồi hỗ trợ công ty startup của chồng. Thời gian này, cô Thảo đi học nghiệp vụ sư phạm với chương trình kéo dài một năm ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
“Nhiều lý do để tôi làm điều này. Nó không phải quyết định bộc phát mà là ý muốn sau khi sâu chuỗi những câu chuyện trong thời gian dài”, cô Thảo nói, bắt đầu kể nhiều về mẹ.
Mẹ của cô Thảo là giáo viên tiểu học ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Vì sinh con thứ ba, bà bị kỷ luật, phải chuyển đi dạy ở trường xa nhà. Địu con 6 tháng tuổi đạp xe cả chục cây số mỗi ngày, trong khi đồng lương ít ỏi, bà quyết định nghỉ việc, dù lãnh đạo, đồng nghiệp khuyên nhủ.
Theo cô Thảo, quyết định “có chút giận dỗi” đó khiến bà tiếc nuối. Hàng chục năm trôi qua, bà vẫn hay kể về những kỷ niệm thời đi dạy. Cô Thảo tò mò điều gì ở nghề giáo đã khiến mẹ mình lưu luyến đến vậy.
Quãng thời gian học đại học rồi đi làm và du học Pháp cũng giúp Thảo thấy được tầm quan trọng của việc đưa thực tế vào các bài giảng cho học sinh, sinh viên. Nhiều lần Thảo được nhận quà 20/11 vì chia sẻ kinh nghiệm học tập hay hướng dẫn thực tập sinh ở công ty. Tất cả khiến Thảo nghĩ đến nghề giáo ngày một nhiều hơn.
Dù vậy, cô Thảo thừa nhận khi bắt đầu học nghiệp vụ sư phạm vẫn chưa nghĩ sẽ trở thành giáo viên ngay sau đó. Cô và chồng nhìn nhận việc này hữu ích, đặc biệt trong việc nắm bắt tâm lý và thay đổi phương pháp dạy con tích cực hơn.
Mãi gần cuối khóa, khi được giảng viên gửi thông tin tuyển dụng của hai trường phổ thông và động viên ứng tuyển, cô Thảo mới nghiêm túc nghĩ đến việc này.
Nộp hồ sơ, phỏng vấn và giảng thử, cô được cả hai trường nhận. Sau khi bàn bạc với chồng, cô quyết định khởi đầu sự nghiệp sư phạm vào năm 2022.
“Tôi may mắn có chồng lo kinh tế và được anh ủng hộ. Bởi nếu kinh tế không vững, rất khó để toàn tâm toàn ý cho công việc này”, cô Thảo nói.
Khi bắt đầu mỗi lớp, cô Thảo thường dành thời gian chia sẻ với học trò về chủ đề “Thế nào là tự do tuyệt đối?”. Học sinh được tự do nói chuyện, làm việc riêng trong giờ nhưng cô đề nghị các em suy nghĩ về kết quả nếu lựa chọn làm như vậy.
“Nếu học kém, ra trường các em có được tự do lựa chọn đại học mình yêu thích không, khi đi làm có được chọn nơi làm việc không? Nếu không được lựa chọn, vậy có gọi là tự do không?”, cô đặt câu hỏi tương tác để học trò tự nhận thấy cần phải tập trung học.
Tâm niệm học nhằm có kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề, thách thức trong cuộc sống nên cô Thảo không giảng kiến thức mới ngay khi bước vào tiết học. Thay vào đó, cô thường đưa ra vấn đề, giao học sinh tìm cách giải quyết, rồi dẫn ra kiến thức liên quan. Cô Thảo cũng bỏ tiền túi mua công cụ bài giảng điện tử để tương tác với tất cả học sinh, yêu cầu các em giải quyết vấn đề, thay vì chỉ gọi 1-2 bạn ở mỗi tiết học.
Theo cô Thảo, công việc lập trình viên hay tiếp viên hàng không trước đó giúp cải thiện khả năng giao tiếp, sự chỉn chu, cập nhật kiến thức mới và thông thạo hai ngoại ngữ Anh – Pháp để phục vụ cho công việc hiện tại.
Thầy Dương Hồng Phúc, Hiệu trưởng cấp THCS-THPT của trường Dewey, nói ấn tượng với sự tận tâm, những bài giảng thú vị của cô Thảo. Theo thầy Phúc, rất hiếm kỹ sư IT, đã có kinh nghiệm thực chiến nhiều năm lại học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên phổ thông.
“Đây là may mắn bởi tuyển được giáo viên như vậy sẽ giúp học sinh tiếp cận với những bài giảng, kiến thức thực tế”, thầy Phúc nói.
Sau hai năm theo nghề, cô Thảo cho hay sẽ gắn bó lâu dài với nghề dạy học. Dù công việc khá vất vả và thu nhập không bằng trước nhưng cô vui vì có thể chia sẻ kiến thức, giúp học trò rèn luyện sự tập trung và tư duy logic.
“Tiếp xúc với học trò còn giúp tôi tươi mới, nhiều năng lượng và học hỏi thêm nhiều điều”, cô Thảo nói.
Vietnamnet.vn