Sau 40 năm miệt mài nghiên cứu và sáng tạo, giờ đây, ông Phan Tấn Bện tự hào với dòng máy cuộn rơm như ý và tham gia xuất khẩu sang một số nước trong khối ASEAN.
Khởi nghiệp từ cơ sở sản xuất “3 không”
Cách đây 40 năm, ông Phan Tấn Bện tốt nghiệp Khoa Cơ khí máy nông nghiệp, Trường Đại học Nông – Lâm TP.Hồ Chí Minh, chàng sinh viên xứ Gò Tháp, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) trở về quê hương làm việc. Bện được tổ chức bố trí vào công ty cơ khí tỉnh. Sau 3 năm làm việc tại văn phòng công ty cơ khí, ông Bện xin sang nhà máy cơ khí trực tiếp sản xuất, qua đó tìm hiểu thiết kế và quy trình vận hành từng loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ.
Năm năm sau (1990), ông Phan Tấn Bện xin nghỉ biên chế “nhà máy cơ khí quốc doanh” ra làm ăn “cá thể”. Được cởi trói tư duy “sản xuất tập thể”, kỹ sư Phan Tấn Bện mở xưởng cơ khí do mình làm chủ.
Ông Bện kể: “Ngày ấy, sản xuất trong điều kiện “3 không”: Không điện, không đường, không vốn. Cực lắm!”. Để giải quyết vốn mua vật tư phục vụ xưởng cơ khí, ông Phan Tấn Bện đi vay 2 lượng vàng bán lấy tiền mua máy phát điện, máy hàn, bộ gió đá… Thế nhưng, suốt 7 năm ròng mặc dù được cởi trói khỏi “doanh nghiệp quốc doanh”, kỹ sư Phan Tấn Bện cũng chỉ quẩn quanh sửa chữa máy bơm, máy cày, máy phát điện công suất nhỏ hỗ trợ bà con nông dân trồng lúa vùng Đồng Tháp Mười.
Theo tính toán của nông dân, một cuộn rơm do máy của Công ty Phan Tấn cuộn trọng lượng 12kg, giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 15.000 -17.000 đồng. Tính ra, trên diện tích 1ha ngoài sản lượng đạt từ 6 – 7 tấn thóc/vụ, người nông dân còn thu 130 – 170 cuộn rơm, giá trị tăng thêm trên 2 triệu đồng/ha.
Không chấp nhận vì có kiến thức được đào tạo ở Khoa Cơ khí máy nông nghiệp, với ý chí vươn lên của bản thân cộng với nhu cầu cấp thiết của người nông dân trên đồng ruộng, kỹ sư Phan Tấn Bện quyết tâm tạo ra sản phẩm mang tên anh. Từ anh thợ sửa chữa cơ khí, ông Phan Tấn Bện sử dụng kiến thức cơ bản học trong trường đại học để khởi nghiệp sáng chế một số máy nông nghiệp. Năm 2014, kỹ sư Phan Tấn Bện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mang tên Phan Tấn. Đây cũng là thời kỳ ông cho ra đời máy thu hoạch lúa đa năng (cắt lúa xếp thành dãy tự động thu gom đưa lên thùng phóng)… mang tên Phan Tấn được xuất xưởng đến tay nông dân.
Kỹ sư Phan Tấn Bện kể: “Năm 2015, máy được đưa đi tham dự cuộc triển lãm máy nông nghiệp toàn quốc do Liên hiệp Các hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Sản phẩm máy thu hoạch lúa của tôi được trao giải Nhì”.
Thành công này đã khích lệ ông Bện cho ra đời máy cuộn rơm, giúp nông dân tận thu phế phẩm rơm rạ sau thu hoạch để tăng thu nhập trên từng diện tích đất trồng lúa. Để có sản phẩm máy cuộn rơm, ông Phan Tấn Bện đã giành không ít thời gian đến nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ… gần thì cưỡi xe gắn máy, xa thì dùng xe ôtô đến với nông dân trong mùa thu hoạch lúa để quan sát, ghi chép tỉ mỉ số liệu liên quan đến phế phẩm rơm, rạ sau thu hoạch.
Những chuyến đi thực địa như vậy có tác dụng giúp ông hình thành ý tưởng chế tạo máy. Để ra được chiếc máy cuộn rơm, kỹ sư Phan Tấn Bện gặp không ít khó khăn. Chiếc máy đầu tiên đưa ra hiện trường chạy thử không đạt yêu cầu như ý. Ông Bện mày mò điều chỉnh từng chi tiết nhỏ của máy nhằm khắc phục khiếm khuyết của máy.
Không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ
Theo kỹ sư Phan Tấn Bện, hiện nay một số máy cuộn rơm nước ngoài đang có mặt ở nước ta đều là loại máy phải liên hợp với máy kéo bánh hơi để cuộn rơm, chưa phù hợp với điều kiện ở những địa hình đồng ruộng ẩm ướt, khi vận hành sẽ làm rơm cuộn bị bùn bẩn, phải có thêm phương tiện phụ trợ để thu nhặt và chuyển rơm về nơi tập kết.
Để khắc phục yếu điểm của dòng máy cuộn rơm ngoại nhập, ông Phan Tấn Bện chế tạo máy cuộn rơm mang mã hiệu PT – CR57, tự hành bằng bánh xích cao su năng suất lớn, có thùng chứa rơm phía sau, không cần công thu gom, vận hành rất thuận tiện cả trên thân đất ẩm ướt, sình lầy.
Sau khi thu hoạch lúa, rơm từ máy gặt đập liên hợp rải thành hàng sẽ được máy cuộn rơm PT – CR57 có bộ phận thu gom rơm nằm ở phía trước chuyển vào băng tải rồi chuyển lên bộ phận xe rơm thành khối tròn có độ chặt nhất định. Người lái máy cuộn rơm chỉ cần điều khiển thuỷ lực nhả cuộn rơm lên thùng chứa ở phía sau máy. Cuộn rơm sau khi được nén chặt có kích thước đường kính 0,5m, chiều dài 0,7m.
Toàn bộ máy được đặt trên hệ thống di động bằng xích cao su. Khi thùng chứa đầy rơm, người điều khiển máy chỉ việc cho máy cuộn rơm đến điểm tập kết, kéo cần thuỷ lực là rơm rời khỏi máy.
Là người đã sử dụng máy cuộn rơm Phan Tấn, anh Huỳnh Văn Phú – nông dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long kể: “Gia đình tôi ít đất canh tác nên phải sang Công ty Phan Tấn đặt hàng mua máy về làm dịch vụ thu gom rơm để có thu nhập cho gia đình”.
Anh Phú cho biết: Trước đây bà con nông dân dọn đất chuẩn bị làm vụ mới chỉ biết đốt rơm, đốt rạ ngay trên đồng, nay cô bác không chỉ thu rơm về trữ làm thức ăn chăn nuôi mà còn dùng rơm làm giá thể để trồng nấm.
Theo tính toán của nông dân, một cuộn rơm do máy của Công ty Phan Tấn cuộn trọng lượng 12kg, giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 15.000 – 17.000 đồng. Suy ra, trên diện tích 1ha ngoài sản lượng đạt từ 6 – 7 tấn thóc/vụ, người nông dân còn thu 130 – 170 cuộn rơm, giá trị tăng thêm trên 2 triệu đồng/ha.
Sau 4 năm sử dụng máy đã hoàn vốn mua máy mà còn tạo thêm công việc và thu nhập cho lao động của người nông dân. Ngoài chức năng cuộn rơm và vận chuyển rơm, máy còn được dùng như một xe tải nhẹ chở nông sản của người nông dân đến nơi tiêu thụ. Với tác dụng hỗ trợ nông dân hình thành chuỗi giá trị lợi nhuận tăng thêm lợi sau thu hoạch, từ năm 2017 máy cuộn rơm của Công ty Phan Tấn được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng danh hiệu “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia”.
Ông Phan Tấn Bện thổ lộ: “Sản phẩm máy cuộn rơm của Công ty Phan Tấn sẽ tích cực tham gia phục vụ Chương trình sản xuất một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL theo kế hoạch Chính phủ triển khai”.
Nguồn: https://danviet.vn/ky-su-co-khi-mot-doi-say-me-sang-tao-may-cuon-rom-20240919160625614.htm