Những ngày này, hòa chung niềm vui khi Trà Vinh trở thành tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, khắp phum sóc, đồng bào Khmer cũng đang hân hoan nhìn lại những đổi thay tích cực từ Chương trình mục tiêu quốc gia mang lại.
Thông qua các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương, nguồn vốn XDNTM đã góp phần thay áo mới ở tỉnh có hơn 31,5% đồng bào Khmer sinh sống. Đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chỉ còn 1.827 hộ, chiếm 2,03% so với tổng số hộ Khmer.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao đồng bào Khmer sẵn sàng góp công, góp của để cùng với chính quyền địa phương XDNTM. Đặc biệt, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo” các chư Tăng, Phật tử trong vùng đồng bào Khmer đã vận động đóng góp trên 7,6 tỷ đồng, hiến trên 167.000m2 đất để làm các công trình công cộng, xây dựng nhiều công trình tạo nên những chiếc “cầu nối” gắn kết ý Đảng, lòng dân.
Từ nguồn vốn vay và tham gia các lớp tập huấn từ Chương trình XDNTM tạo điều kiện cho nông dân Trắc Ly Đa (xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang) mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại năng suất cao và là một trong những hộ đồng bào Khmer thoát khỏi hộ khó khăn tiêu biểu của địa phương.
XDNTM thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm không chỉ nâng cao thu nhập cho đồng bào Khmer ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và Tiểu Cần mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại về nông sản an toàn và thân thiện với môi trường.
Từ khi địa phương phát động phong trào XDNTM, để góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào Khmer cũng như nhiều địa phương khác, huyện Cầu Ngang tổ chức mở lớp học xóa mù chữ dành cho học viên là đồng bào Khmer. Tham gia lớp học ngoài được hỗ trợ 50.000 đồng/buổi/người, học viên còn được nhận 400.000 đồng để mua dụng cụ học tập.
Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với cuộc vận động XDNTM, đô thị văn minh, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong vùng đồng bào Khmer được duy trì, gìn giữ và phát huy đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào Khmer.
SỐC KHA (thực hiện)
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/xay-dung-nong-thon-moi-vung-dong-bao-khmer-khoi-sac-42794.html
Kommentar (0)