ប្រាក់រង្វាន់ Tet - កាសែតអេឡិចត្រូនិក Quang Binh

Việt NamViệt Nam01/02/2025


(QBĐT) - Cuối chạp! Những đợt gió nồm ẩm thổi không ngừng nghỉ qua hàng mai chi chít nụ trước ngõ. Hương bất ngờ nhận được một hộp quà, đề tên nắn nót: “Học sinh cũ Mai Anh kính tặng cô giáo yêu chưng Tết”.

Sắp Tết rồi ư? Cô giáo Hương bần thần với dòng đề tặng. Một phần vì nó nhắc nhở cô Tết đã đến thật gần, phần nữa, nó gợi lại ký ức về cô học trò nhỏ từng lấy của cô khá nhiều nước mắt. Đó là một kỷ niệm buồn cũng lắm mà vui cũng thật nhiều trong cuộc đời làm cô giáo của Hương. Nhưng, cho đến bây giờ Hương luôn lấy làm hài lòng vì không phải ân hận dày vò.

Tuần nào Hương cũng hoa mắt với những lỗi vi phạm của cô bé. Tuần nào lớp cũng bị trừ điểm. Một cô bé gầy gò, ánh mắt linh lợi có phần ngông ngông và xem chừng ít được chăm sóc. Hương cũng không lý giải được vì sao có những cô bé cậu bé không hề biết khắc phục lỗi sai của mình. Những đứa trẻ khác, nếu hôm nay vi phạm lỗi gì thì ngày mai không cần nhắc nhở, chúng đã nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ. Mai Anh là cô bé đặc biệt nhất mà Hương từng gặp. Vừa bướng bỉnh, vừa ngoan cố mà cũng thật đáng thương.

Ba mẹ Mai Anh đều học chưa hết lớp 5, nghĩa là thua cả Mai Anh hiện giờ. Ba mẹ đi làm ăn xa, phó mặc chị em Mai Anh cho mệ ngoại chăm sóc. Mệ ngoại của Mai Anh không biết chữ, tai lại điếc. Không ai biết mệ có được mẹ Mai Anh trong hoàn cảnh nào, chỉ biết mẹ Mai Anh không cha, học chưa hết lớp 5 đúp lên đúp xuống thì bỏ học.

Ảnh minh họa. MQ
Minh họa. MQ

Mai Anh không chịu học bài, rất ham chơi và thích làm những việc ngược đời. Thời này, trẻ em được dạy dỗ từng chút một mà nhiều khi còn không được như ý muốn, huống hồ chị em cô bé chỉ được thả tự do như những cọng cỏ dại. Từ nhỏ Mai Anh đã không giống ai, nhưng cô giáo nào sau khi tìm hiểu hoàn cảnh cũng thương, nên chỉ biết nhắc nhở và nâng đỡ. Cuộc sống này thật lạ, trẻ mồ côi đáng thương đã đành, trẻ có cha có mẹ nhưng thiếu sự quan tâm cũng được người đời thương xót.

Lần ấy, khối 7 được tăng thêm lớp. Mỗi lớp đang có sẽ được cắt ngẫu nhiên một số học sinh để gộp lại thành lớp mới. Hương đã không ngần ngại đưa Mai Anh vào danh sách ấy, với mong muốn thật tầm thường rằng thành tích lớp Hương sẽ được khởi sắc. Lớp chia xong rồi, các lớp đã bắt đầu đi vào nền nếp, Hương tưởng mình sẽ cất được gánh nặng trong lòng suốt năm lớp 6, mỗi tuần cô trò Hương sẽ cố gắng để hân hoan nhận cờ thi đua. Nhưng....

Sinh hoạt 15 phút đầu giờ hôm ấy, Hương bất chợt nhìn ra cửa sổ, bé Mai Anh đang đứng nhìn vào lớp với một ánh mắt thật khó tả. Buồn, lưu luyến và oán trách. Có oán trách không hay trái tim nhạy cảm của Hương tự cảm thấy mình có lỗi? Mai Anh rất quý cô Hương, dù ngang ngạnh nhưng trong rất nhiều người lớn mà cô bé biết, cô Hương vẫn là một người đáng cho cô bé mơ ước trở thành. “Cô Hương nghiêm khắc nhưng rất vui tính, hiểu và thương học sinh”, đó là lời nhận xét mà học trò lớp Hương dành cho cô giáo chủ nhiệm của chúng. Giây phút ấy, ánh mắt ấy khiến cho những tiết dạy của Hương ngày hôm đó như có quầng lửa nóng vây quanh. Nhưng rồi, Hương tặc lưỡi: Rồi dần dần cô bé sẽ quen. Thực ra có rất nhiều chuyện đáng tiếc đã xảy ra từ những cái tặc lưỡi tưởng chừng nhẹ nhàng ấy, nên nỗi canh cánh trong lòng Hương không vì thế mà nguôi đi.

“Cô ơi! Mai Anh sang lớp mới bạn ấy còn quậy hơn, tuần nào cũng cúp tiết”.

 “Cô ơi! Mai Anh than lớp mới không ai chịu chơi với bạn, cô giáo không hiểu bạn ấy”.

“Cô ơi! Mai Anh bỏ học đi theo anh người yêu thợ xây 20 tuổi”.

Chao ôi! Những đứa trẻ ngây thơ có hiểu đó là thông tin bóp nghẹt tim Hương thế nào?

Chiều hôm ấy, một người đàn bà ăn mặc nhếch nhác, tóc nhuộm cháy khét, rối mù chờ gặp Hương ở cổng. Trong góc quán cà phê vắng vẻ cạnh trường, người đàn bà ấy nắm lấy tay Hương nức nở:

“Mai Anh bỏ học, nó nói nếu được trở về lớp cô, nó sẽ không bỏ học nữa. Em xin chị giúp lấy cháu, đời vợ chồng em thất học đã chịu đủ thiệt thòi...”.

Chợt nhiên Hương cảm thấy một quả núi tội lỗi đang từ từ đổ xuống vai mình. Giả như, Hương không chuyển lớp cho bé, bé có đi đến nông nỗi ngày hôm nay không? Có thể có, có thể không, nhưng ít ra nó không khiến Hương cảm thấy tự trách bản thân như thế này.

Hương nhìn vào bảng thành tích của lớp, có khởi sắc nhưng lòng Hương vui trọn vẹn không?. Mỗi lần có kết quả thi đua, tâm trí cô lại chập chờn ánh mắt của Mai Anh bên khung cửa hôm nào. Vậy đó là áy náy còn gì? Hóa ra, cô cũng chỉ là kẻ vô trách nhiệm, cô còn tư cách gì để dạy cho các em học sinh những điều nhân nghĩa?. Những đứa trẻ khác, bằng cách này hay cách khác đã từng bước thích ứng với cô giáo mới, bạn mới. Nhưng Mai Anh lại không thể. Nói một cách sòng phẳng, Hương đã vừa vô tình vừa cố ý đẩy một đứa trẻ vào môi trường xa lạ khiến nó phải vùng vẫy một cách bản năng để quên đi cảm giác đơn độc mỗi ngày.

“Cô xin cô Hiệu trưởng cho con về lại lớp cô, con hứa với cô là không bỏ học nữa có được không?”-Hương nhìn đứa trẻ đang ngồi đối diện, hai tay đan vào nhau, đầu cui cúi, ánh mắt vừa sợ sệt vừa cảnh giác, vừa thách thức.

“Dạ con sẽ cố gắng... Con nhớ các bạn lớp mình lắm... Cô cho con về lại lớp đi cô...”.

Cô bé bật khóc tức tưởi, như thể mấy tuần qua con đã kìm nén để chờ đến hôm nay bung ra, với ước muốn mình được chấp nhận. Cô trò Hương ngồi bên nhau hết cả buổi chiều hôm ấy, trong ánh nắng cuối ngày xiên qua khoảng sân tuềnh toàng nhà mệ ngoại em với mấy cây chanh chi chít hoa. Mùi hoa chanh tỏa ra nồng nàn như thể vỗ về.

“Chị hiểu nỗi dằn vặt của em. Biết mà không cứu thì tất cả chúng ta đều có lỗi. Nhưng, em đã nghĩ kỹ chưa?”-Cô giáo Hiệu trưởng là một người thấu hiểu lẽ đời, trầm tư rất lâu sau khi nghe Hương giãi bày nguyện vọng.

“Dạ, em tin là khi trở về cô bé sẽ biết cách hạn chế lỗi sai của mình. Chị em mình cùng nhau giúp cô bé hoàn thành cấp học này chị nhé!”

Mai Anh đã chật vật cùng với Hương và lớp đi hết chương trình lớp 9. Con không tiến bộ nhiều, nhưng trong khả năng sửa đổi có thể của con, dưới sự dẫn dắt của Hương, tập thể lớp đã vừa bao dung, vừa chung tay giúp Mai Anh tuần tự hoàn thành xong chương trình Trung học phổ thông. Ngày liên hoan chia tay, Mai Anh cứ ôm cô giáo khóc mãi.

“Con sẽ đi học nghề, con sẽ trở thành người có ích như lời dặn của cô!”

Vậy mà cũng đã gần 10 năm trôi qua. Trong 10 năm ấy, thi thoảng Hương có nghe thông tin về Mai Anh. Tuy không đầy đủ lắm, nhưng có thể mường tượng với cá tính sẵn có, Mai Anh đã học xong nghề cắt tóc gội đầu và mở một tiệm kinh doanh nho nhỏ. Món quà Tết của cô bé khiến Hương trỗi lên mong muốn được gặp gỡ cô học trò nhiều phiền toái năm xưa.

Phải đợi đến mồng 3 Tết, Mai Anh mới dắt theo một anh chàng bộ dạng như một Rocker, nhưng vẻ mặt khá hiền lành.

“Thầy dạy nghề của con và giờ là chồng chưa cưới của con đây cô. Con đến mừng năm mới và trân trọng mời cô đến dự đám cưới con, cô nhất định phải đến cô nha”.

Hương vui bồi hồi với niềm hạnh phúc của cô học trò nhỏ. Món quà đầu năm Mai Anh mang đến mới thật ấn tượng, đó là cuốn sách Giamilia-Truyện núi đồi và thảo nguyên (*) vừa được tái bản mới toanh.

“Suốt bao nhiêu năm, mỗi khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, con đều nghĩ đến cô và đọc lại truyện Người thầy đầu tiên để có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống cô à. Bà An-tu-nai biết ơn thầy Đuy-sen, đời con thì có cô Hương-Mai Anh dụi mái tóc mượt mà màu vàng sẫm lên vai cô, mắt đẫm nước, nhưng miệng lại cười rất duyên-Con biết cô có cuốn sách này rồi, nhưng chắc chắn đã cũ, nên con mua cuốn mới tặng cô. Mỗi lần đọc lại cho con một cảm nhận mới cô à”.

Ôi Mai Anh! Cọng cỏ dại thuở nào giờ chín chắn hơn nhiều so với tuổi và trình độ học vấn. Một cô thợ làm đầu lại có nhã hứng mua sách và tặng sách, thật lạ lùng và trân quý lắm thay!

 Hương ôm riết cô học trò bé nhỏ, nghe lòng mình tươi rói như những bông mai vàng nở rực trước ngõ...

Nguyễn Hương Duyên

(*) Tác phẩm của nhà văn Nga Tsinghiz Aitơmatốp.



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/phan-thuong-cua-tet-2224107/

Kommentar (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

រូប

Tet In Dreams: ស្នាមញញឹមនៅក្នុង 'ភូមិសំណល់'
ទីក្រុងហូជីមិញពីខាងលើ
រូបភាពដ៏ស្រស់ស្អាតនៃវាល chrysanthemum ក្នុងរដូវប្រមូលផល
យុវជន​បាន​តម្រង់​ជួរ​គ្នា​ពី​ម៉ោង ៦ និង ៣០ នាទី​ព្រឹក ហើយ​រង់ចាំ ៧ ម៉ោង​ដើម្បី​ថតរូប​នៅ​ហាង​កាហ្វេ​បុរាណ។

No videos available