Là thị trường xuất khẩu truyền thống, chủ lực và tiềm năng của nông sản Việt Nam, Trung Quốc hiện đang có những thay đổi về nhu cầu tiêu thụ cũng như đưa ra yêu cầu kiểm định chất lượng nông sản, thực phẩm mới trong năm 2025. Bám sát thông tin để điều chỉnh hàng hóa xuất khẩu là điều cần thiết để doanh nghiệp tăng trưởng kim ngạch vào thị trường này.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thời gian tới, tiêu thụ cà-phê của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng khi quốc gia vốn ưa chuộng trà này chuyển sang các thức uống có chứa lượng caffeine cao hơn, đóng vai trò tất yếu trong tăng trưởng nhu cầu toàn cầu về cà-phê.
Trong bối cảnh sản lượng trong nước gần đây chỉ dao động ở mức 2 triệu bao, thì kim ngạch nhập khẩu đóng vai trò lớn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vọt về cà-phê của Trung Quốc. Trước đây, cà-phê hòa tan thương mại chiếm ưu thế thì hiện cà-phê nhân chất lượng cao đã chiếm đến hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Các cửa hàng bán lẻ tập trung tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến và đang mọc lên ở các thành phố ít dân cư hơn như Thành Ðô, Hàng Châu, Tô Châu và Trùng Khánh đã thúc đẩy tăng lượng tiêu thụ cà-phê. Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam cho biết, đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà-phê của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, bên cạnh thị trường chủ lực lâu nay là châu Âu.
Ðặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhập khẩu cà-phê nhân của Trung Quốc, từ mức chỉ 900.000 bao trong vụ 2014/2015 lên dự kiến 3,6 triệu bao niên vụ 2024/2025. Trước đây, Việt Nam và Indonesia là những quốc gia cung ứng hàng đầu cà-phê nhân cho Trung Quốc nhưng sau đó, Brazil và Colombia đã vượt qua.
Do đó, đây là thời điểm để ngành cà-phê Việt Nam ưu tiên đẩy mạnh phân khúc tiêu thụ này. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu cà-phê hòa tan của Trung Quốc cũng vẫn tương đối ổn định và dự báo đạt 1,8 triệu bao vụ 2024/2025 với nguồn cung đến từ các quốc gia sản xuất dẫn đầu là Việt Nam và Malaysia.
Ðối với mặt hàng thế mạnh rau quả, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên cho biết: Trung Quốc đã và đang là thị trường lớn của rau quả Việt Nam nhưng đồng thời cũng vẫn là thị trường tiềm năng, còn rất nhiều dư địa để khai thác tăng trưởng.
Ngược lại, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong năm 2024, tăng 49,4% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2023, đạt 736,72 nghìn tấn, trị giá 2,94 tỷ USD. Ngoài sầu riêng, Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu chuối từ Việt Nam trong năm 2024, tăng 23,7% về lượng và tăng 7% về trị giá so với năm 2023, đạt gần 625,25 nghìn tấn, trị giá 261,45 triệu USD.
Ðây là những con số điển hình cho nhu cầu tiêu thụ trái cây của quốc gia rộng lớn này, làm cơ sở cho các doanh nghiệp Việt Nam tập trung sản xuất và xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh các mặt hàng nhiều triển vọng xuất khẩu thì cũng có những mặt hàng dự báo giảm cầu trong năm 2025 tại thị trường Trung Quốc, cụ thể như sắn và các sản phẩm từ sắn.
Tuy nhiên, đầu tháng 1/2025, tình hình tiêu thụ tinh bột sắn khá ảm đạm, mặc dù tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc rất thấp, nhưng các thương nhân vẫn chưa có kế hoạch mua nhiều hàng như các năm trước, cho dù bây giờ đang là thời điểm chính vụ.
Trong khi đó, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh mạnh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Lào và Campuchia, nhất là khi nhiều nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Trung Quốc đang tích cực đầu tư vào các nhà máy sản xuất tại Lào do giá sắn và nhân công rẻ hơn. Do đó, các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần chủ động kế hoạch sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Cùng với biến động trong nhu cầu tiêu thụ nông sản thì ngay đầu năm 2025, Trung Quốc cũng đưa ra một số thông báo mới liên quan quy định nhập khẩu nông sản, thực phẩm.
Theo đó, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) đã nhận được thông báo của Ban Thư ký, Ủy ban SPS-WTO về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) dự thảo sửa đổi quy định của Trung Quốc về việc đăng ký cơ sở sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài (Lệnh 248).
Một trong những điểm chính của dự thảo là công nhận hệ thống tương đương. Theo đó, nếu hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) được GACC công nhận, các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) có thể gửi danh sách các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm được khuyến nghị đã đăng ký tại Trung Quốc cho GACC.
GACC sẽ tiến hành phê duyệt danh sách nhà sản xuất, nhà sản xuất sẽ được đăng ký và cấp số đăng ký tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, GACC có thể lựa chọn toàn bộ hoặc một phần các công ty trong danh sách các công ty sản xuất thực phẩm đã đăng ký tại Trung Quốc do các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia (khu vực) nước ngoài được công nhận đề xuất để kiểm tra ngẫu nhiên và xác minh thông qua kiểm tra video, tại chỗ.
GACC có thể từ chối đăng ký doanh nghiệp có liên quan và chấm dứt việc công nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của các quốc gia (khu vực) nước ngoài có liên quan dựa trên kết quả đánh giá rủi ro. “Bên cạnh các nội dung về đăng ký doanh nghiệp, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các sản phẩm bắt buộc phải có thư giới thiệu đăng ký chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) xuất khẩu như vỏ xúc xích.
Ngược lại, một số sản phẩm đưa ra khỏi diện này như hạt cà-phê rang, một số loại rau xanh. Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các đơn vị góp ý nội dung dự thảo gửi về Văn phòng SPS Việt Nam trước ngày 1/3/2025 để tổng hợp gửi GACC”, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam thông tin.
Nguồn
Kommentar (0)