Tỉnh Đắk Nông chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đổi mới trong sản xuất nông nghiệp và tận dụng lợi thế địa phương, nhiều hộ dân vừa nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên.
Đắk Nông: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế
Tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp so với các địa phương khác trong cả nước. Nhằm tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có, tỉnh đã từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học – công nghệ cao, phát triển các ngành hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su và điều.
Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên gần 651.000ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 380.000ha (chiếm 58,4% diện tích tự nhiên), có trên130 chủng loại cây trồng, vật nuôi khác nhau.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các ngành hàng tiềm năng như sầu riêng, bơ, mắc ca theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Nhiều hộ dân tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, từ đó vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thành quả rõ nét là nhiều gia đình có điều kiện sắm ô tô, minh chứng cho sự thay đổi tích cực của địa phương.
![Kinh tế Đắk Nông khởi sắc, đời sống người dân nâng cao nhờ phát triển nông nghiệp và bảo tồn văn hóa - Ảnh 2.](https://archive.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-Dak-Nong-tang-toc.jpeg; charset=utf-8)
Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả, ông Ka Đum (ở bon Bu N’Doh, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) hiện sở hữu hơn 4ha đất trồng cà phê, hồ tiêu xen canh, và 1ha cao su. Cuộc sống sung túc giúp ông xây dựng nhà cửa khang trang và sở hữu ô tô, đồng thời đang lên kế hoạch nâng cấp lên xe đời mới sau mùa thu hoạch hồ tiêu.
Là xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Đắk Nông, Đắk Wer không ngừng thay đổi diện mạo. Những con đường bê tông trải dài, được điểm tô bởi sắc hoa và cây xanh, tạo nên cảnh quan tươi đẹp. Các khu dân cư được trang bị bể thu gom rác bằng bê tông, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Nhờ đó, không gian sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Chị Thị Oanh, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc M'Nông tại bon Bu N'doh, tâm sự sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bon làng đã có nhiều đổi thay. Không chỉ phát triển sản xuất, người dân còn chú trọng bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống, tạo việc làm và cải thiện thu nhập.
![Kinh tế Đắk Nông khởi sắc, đời sống người dân nâng cao nhờ phát triển nông nghiệp và bảo tồn văn hóa - Ảnh 3.](https://archive.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739593334_633_Kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-Dak-Nong-tang-toc.jpeg; charset=utf-8)
Du khách nước ngoài rất thích thú khi được tận tay trải nghiệm dệt thổ cẩm truyền thống của người M' Nông tại bon Bu N'doh.
"Bà con rất vui khi nghề dệt truyền thống không chỉ phục vụ nhu cầu mặc trong các dịp lễ hội mà còn trở thành sản phẩm thương mại. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình có nguồn thu ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao", chị Oanh phấn khởi nói.
Chị Bùi Thị Khánh Hòa cùng nhân viên nông trại sạch DNo Farm (tại xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đang kiểm tra chất lượng của những quả cà chua trái cây. Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng trên 100.000 ha ứng dụng một phần công nghệ cao với tổng sản lượng hàng năm ước đạt trên 420.000 tấn.
Không chỉ phát triển nghề dệt, nhiều hộ dân trong bon còn thành công với mô hình kinh tế nông nghiệp. Ông Điểu Suynh, Trưởng bon Bu N'doh, là một trong những điển hình với 5ha cà phê cho năng suất từ 2,5 - 4 tấn/ha và 200 cây sầu riêng.
"Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thu nhập của người dân tăng cao. Chỉ riêng năm ngoái, hơn chục hộ trong bon đã mua ô tô, và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng sau vụ thu hoạch cà phê, hồ tiêu năm nay", ông Điểu Suynh vui mừng cho biết.
Ông Điểu Suynh, Trưởng bon Bu N'doh, đang kiểm tra tình trạng sâu bệnh của hồ tiêu trước vụ thu hoạch.
![Kinh tế Đắk Nông khởi sắc, đời sống người dân nâng cao nhờ phát triển nông nghiệp và bảo tồn văn hóa - Ảnh 6.](https://archive.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739593338_592_Kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-Dak-Nong-tang-toc.jpeg; charset=utf-8)
Tổng diện tích hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông là 34.000ha (đứng thứ đầu cả nước) tổng sản lượng đạt khoảng 70.000 tấn/năm.
Tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng giúp vùng biên giới này ngày càng khởi sắc. Theo bà Thị Nớ, Phó Bí thư Đảng ủy xã, thành công có được nhờ sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên, già làng và người có uy tín trong cộng đồng. Họ đã tiên phong thực hiện và vận động bà con cùng chung tay xây dựng quê hương.
"Nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước và tinh thần đoàn kết của người dân, diện mạo xã Quảng Trực thay đổi rõ rệt. Điển hình là dự án trồng mắc ca đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con, giúp cải thiện đời sống kinh tế và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp", bà Thị Nớ chia sẻ.
![Kinh tế Đắk Nông khởi sắc, đời sống người dân nâng cao nhờ phát triển nông nghiệp và bảo tồn văn hóa - Ảnh 7.](https://archive.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739593339_606_Kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-Dak-Nong-tang-toc.jpeg; charset=utf-8)
Bà Thị Nớ đang hái quả mắc ca (một loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao, thường được gọi là "nữ hoàng của các loại hạt").
Đắk Nông chuyển mình rõ nét với thu nhập tăng, đời sống nâng cao
Năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát triển ổn định, trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Nhờ giá nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng tăng cao, GRDP bình quân đầu người đạt gần 82 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Quốc Vương, quản lý HTX Công Bằng Thuận An (huyện Đắk Mil) đang đưa cà phê vào hệ thống máy rửa và sàng lọc để lựa ra những quả cà phê có chất lượng tốt nhất.
![Kinh tế Đắk Nông khởi sắc, đời sống người dân nâng cao nhờ phát triển nông nghiệp và bảo tồn văn hóa - Ảnh 9.](https://archive.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739593341_354_Kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-Dak-Nong-tang-toc.jpeg; charset=utf-8)
HTX Công Bằng Thuận An hiện có hơn 120 thành viên, liên kết sản xuất trên 400ha cà phê, đạt các tiêu chuẩn quốc tế như RA, hữu cơ FLO-Fair Trade. Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và được Bộ NNPTNT công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Theo thống kê của UBND tỉnh, diện tích cà phê toàn tỉnh ước đạt 143.000 ha, với sản lượng hơn 345.000 tấn. Mặc dù sản lượng giảm so với năm trước do hạn hán kéo dài, nhưng giá trị thu hoạch lại tăng nhờ giá cà phê tăng cao. Sản lượng hồ tiêu đạt 72.000 tấn, điều đạt 15.700 tấn, cao su đạt 29.000 tấn. Tổng giá trị ngành nông nghiệp ước đạt hơn 9.700 tỷ đồng, chiếm 44,68% cơ cấu kinh tế địa phương.
Những công nhân của Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (ở tại xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đang vệ sinh lá chuối để đóng gói xuất khẩu.
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra hiệu quả rõ nét, giúp giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển kinh tế.
"Đắk Nông có 40 dân tộc anh em, vì vậy, trong các chương trình phát triển, chúng tôi luôn lồng ghép yếu tố văn hóa để bà con vừa có cuộc sống sung túc vừa giữ gìn bản sắc dân tộc", ông Yên nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, cho biết năm 2024 trải qua nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn đạt những kết quả rất ấn tượng trong phát triển kinh tế xã hội. Giải ngân vốn đầu tư công của Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây Nguyên, với tỷ lệ 90% trong tổng số 3.500 tỷ đồng vốn kế hoạch. Giảm nghèo của tỉnh tiếp tục duy trì ở "top đầu" cả nước, hiện chỉ còn 2,9% hộ nghèo.
![Kinh tế Đắk Nông khởi sắc, đời sống người dân nâng cao nhờ phát triển nông nghiệp và bảo tồn văn hóa - Ảnh 11.](https://archive.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739593343_529_Kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-Dak-Nong-tang-toc.jpeg; charset=utf-8)
Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết chỉ số hạnh phúc của người dân tăng rất cao, trên 95% hài lòng với cuộc sống hiện tại, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương.
Cùng với đó, các loại nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng được mùa, được giá giúp thu nhập bình quân đầu người tăng cao nhất từ trước tới nay, đồng thời đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên.
Nguồn: https://danviet.vn/kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-dak-nong-tang-toc-chi-so-ngheo-di-xuong-chi-so-hanh-phuc-di-len-20250213102303735.htm
Bình luận (0)