Chai lá cong trong Sách Đỏ, cứng như sắt, quý hơn vàng, hiếm nhất thế giới, chỉ Việt Nam có 13 cây

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt15/02/2025

Chai lá cong – loài cây đặc hữu chỉ có duy nhất ở Việt Nam – đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi cả nước chỉ còn 13 cây cổ thụ.


Giữa những cánh rừng phòng hộ ven biển miền Trung, có một loài cây đặc biệt mà ít ai biết đến, đó là chai lá cong (Shorea falcata). Đây là loài cây đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, được xếp vào danh sách rất nguy cấp theo Danh lục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN).

Loại cây cổ thụ có trong Sách Đỏ, cứng như sắt, quý hơn vàng, hiếm bậc nhất thế giới, chỉ Việt Nam có - Ảnh 1.

Cây chai lá cong cổ thụ có tán rộng. Ảnh: Lao Động

Sự tồn tại của nó đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi hiện nay cả nước chỉ còn lại 13 cây chai lá cong cổ thụ, tập trung chủ yếu ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) và khu vực ven biển Cam Ranh (Khánh Hòa). Nếu không có các biện pháp bảo tồn kịp thời, một trong những loài cây quý nhất thế giới này có thể sẽ biến mất vĩnh viễn.

Chai lá cong - Loài cây quý hiếm mang giá trị phòng hộ và kinh tế cao

Chai lá cong là một cây gỗ lớn, có vỏ dày màu nâu xám, thân cây nứt dọc, có thể cao tới 30-40m khi trưởng thành. Đặc điểm nổi bật nhất của loài cây này chính là hình dáng lá: phiến lá dài hoặc hình trứng, nhưng phần dưới bị lệch so với phần trên, tạo nên hình dáng cong đặc trưng, có lẽ vì thế mà người dân đặt tên là chai lá cong.

Từ xa xưa, chai lá cong đã được đánh giá cao nhờ gỗ chắc, bền, nếu để khô lâu năm sẽ cứng như sắt. Trước đây, gỗ chai lá cong thường được sử dụng để làm kèo cột, đóng giường tủ, tàu thuyền, thậm chí cả các công trình nhà cửa quan trọng. Ngoài giá trị kinh tế, loài cây này còn có vai trò phòng hộ môi trường, giúp giữ đất, chắn gió bão và tạo cảnh quan xanh cho những khu vực ven biển.

Loại cây cổ thụ có trong Sách Đỏ, cứng như sắt, quý hơn vàng, hiếm bậc nhất thế giới, chỉ Việt Nam có - Ảnh 2.

Cây chai lá cong ở Phú Yên được xem là “cây mẹ” có đường kính trên 1m. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sông Cầu, ông Tôn Thất Thịnh, nhấn mạnh: "Chai lá cong có khả năng phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, có giá trị phòng hộ cao, giúp giữ đất, chống xói mòn và góp phần tạo hệ sinh thái bền vững." Tuy nhiên, dù có tiềm năng lớn, nhưng việc bảo vệ loài cây này vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản.

Theo nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Huế), năm 2022, chỉ còn 13 cây chai lá cong cổ thụ tồn tại trong tự nhiên. Trong đó, 7 cây ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), số còn lại rải rác ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Mặc dù cây vẫn ra hoa và kết quả hằng năm, nhưng rất đáng lo ngại là không có cây con tái sinh tự nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc loài cây này không thể duy trì quần thể trong môi trường tự nhiên mà không có sự can thiệp của con người.

Tại xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, nơi tập trung nhiều cây chai lá cong nhất, người dân địa phương cũng tỏ ra lo lắng. Một số cây chai lá cong đã bị chặt hạ trước đây do thiếu hiểu biết về giá trị của chúng. Những người dân trong khu vực, chia sẻ, trước đây, không biết chai lá cong quý đến mức nào. Giờ chỉ còn vài cây, ai cũng muốn giữ lại, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền thì khó bảo vệ lâu dài.

Năm 2020, một cây chai lá cong gần 400 tuổi tại Vùng 4 Hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây là minh chứng cho giá trị lịch sử và sinh thái đặc biệt của loài cây này, nhưng chỉ một cây di sản là không đủ để cứu loài chai lá cong khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Loại cây cổ thụ có trong Sách Đỏ, cứng như sắt, quý hơn vàng, hiếm bậc nhất thế giới, chỉ Việt Nam có - Ảnh 3.

Năm 2020,Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa trao quyết định công nhận cây di sản Việt Nam cho đại diện Vùng 4 HQ. Ảnh: PLO

Bảo tồn chai lá cong: Cần hành động khẩn cấp

Trước tình trạng chai lá cong ngày càng bị thu hẹp về số lượng, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã đưa ra hai phương pháp bảo tồn chính: bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển vị.

Bảo tồn tại chỗ là phương án cấp thiết, tức là bảo vệ chặt chẽ các cây mẹ còn lại trong tự nhiên, ngăn chặn hành vi khai thác trái phép. Đồng thời, cần thu hái hạt giống và ươm trồng tại các khu vực phù hợp, nhằm duy trì quần thể lâu dài.

Loại cây cổ thụ có trong Sách Đỏ, cứng như sắt, quý hơn vàng, hiếm bậc nhất thế giới, chỉ Việt Nam có - Ảnh 4.

Cây chai lá cong cổ thụ có tán rộng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Bảo tồn chuyển vị là phương án nhân giống cây chai lá cong trong các vườn thực vật hoặc khu vực khác có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng, giúp mở rộng phạm vi phân bố của loài cây này.

Ông Tôn Thất Thịnh cho biết: "Muốn bảo tồn loài cây này, trước tiên chúng ta phải tiến hành điều tra kỹ lưỡng về hiện trạng phân bố và khả năng tái sinh. Sau đó, cần triển khai chương trình bảo tồn nguồn gen, nhân giống và đưa cây con về trồng ở những vùng có điều kiện thích hợp."

Hiện nay, một số đơn vị đã bắt đầu nghiên cứu và nhân giống chai lá cong, nhưng số lượng cây con vẫn còn rất hạn chế. Để bảo tồn thành công, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và sự chung tay của cộng đồng.

Chai lá cong - Loài cây đặc hữu này không chỉ mang giá trị sinh thái mà còn là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Nếu không có hành động kịp thời, chúng ta sẽ mất đi một báu vật thiên nhiên mà không gì có thể thay thế.

Chai lá cong – một biểu tượng thiên nhiên quý giá của Việt Nam – đang đứng trước nguy cơ biến mất. Bảo vệ loài cây này không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, mà là nghĩa vụ chung của tất cả chúng ta, để giữ lại một phần di sản thiên nhiên cho thế hệ mai sau.



Nguồn: https://danviet.vn/chai-la-cong-trong-sach-do-cung-nhu-sat-quy-hon-vang-hiem-nhat-the-gioi-chi-viet-nam-co-13-cay-20250214153431655.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available